Con dâu dám "bật" lại cả Từ Hi Thái hậu và 3 câu trăng trối khiến mẹ chồng phải hổ thẹn

Là một sủng phi thời mạt Thanh, Trân phi còn nổi tiếng vì mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu với người phụ nữ quyền lực là Từ Hi Thái hậu.

Phi tần được sủng ái nhất thời mạt Thanh

Trân phi xuất thân từ Mãn Châu Tương Hồng kỳ Tha Tha Lạp thị. Đây là một chi gia tộc tương đối thấp kém. Tuy nhiên, địa vị của chị em bà sau này khiến nhiều người phải ganh tị. Phải qua 4 lần tuyển tú thì chị em Tha Tha Lạp Thị mới được tuyển vào cung, được phong Tần.

Khi ấy, cháu gái của Từ Hi Thái hậu được phong làm Hiếu Định Cảnh Hoàng hậu nhưng không được vua Quang Tự sủng ái. Chị gái Trân Tần là Cẩn Tần tính tình dung dị, không tranh với đời cũng chẳng lọt vào mắt đế vương. Duy có Trân Tần vừa xinh đẹp, thông minh, lại lắm tâm kế ngay lập tức được vua để ý.

Trong cuốn "Quốc văn bị thừa" của Hồ Tư Kính có đoạn ghi: "Quang Tự từ sau đại hôn, đối với hoàng hậu không mấy gần gũi, khi ở chung với Cẩn Phi cũng như vậy không khác. Duy có Trân Tần trời sinh tính ngoan ngoãn, giỏi làm người khác vui vẻ, khéo việc bút nghiên, giỏi việc đánh cờ, hàng ngày hầu bên cạnh hoàng đế, cùng hoàng đế uống rượu vui ca, thực sự có được sủng hạnh từ hoàng đế".

Hay trong cuốn "Doanh đài khấp huyết ký" của Dụ Đức Linh cũng tiết lộ Hoàng đế Quang Tự hầu như ngày nào cũng triệu hạnh Trân Tần, cứ cách 3-4 ngày lại đến Cảnh Nhân cung một lần. Điều đó đủ thấy hoàng đế sủng ái vị phi tần này cỡ nào.

Không những vậy, Trân Tần ban đầu còn có được sự yêu thương của chính mẹ chồng, Từ Hi Thái hậu. Sử sách ghi lại Từ Hi thấy Trân Tần thông minh, lanh lợi, giỏi đoán tâm ý người khác nên rất yêu thích. Biết cô con dâu này thích vẽ tranh, thái hậu còn mời thầy trong cung dạy thư pháp và quốc họa cho Trân Tần.

Mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu và cái kết bi kịch

Trân Tần xinh đẹp và thông minh nên đã có được sự sủng ái chốn thâm cung. Nhưng chính sự thông minh ấy đã khiến bà chịu kết cục bi thảm. Không chỉ dừng lại ở việc làm tròn bổn phận một phi tần, Trân Tần còn sẻ chia gánh nặng công việc triều chính với Hoàng đế Quang Tự. Dần dần, bà còn cùng nhà vua bàn chính sự, tham mưu và can dự sâu vào việc của triều đình.

Chính sự xuất sắc và không biết điểm dừng của Trân Tần khiến Từ Hi Thái hậu vướng mắt. Thêm vào đó, việc Hoàng đế Quang Tự chỉ sủng ái một mình Trân Tần, thờ ơ với Hoàng hậu Diệp Hách Na Lạp thị lại thêm một lý do nữa làm thái hậu phật lòng. Bà ép hoàng đế phải ngủ lại trong cung của hoàng hậu để giảm đi sự sủng ái mà Trân Tần đang nhận được. Tuy nhiên, cách này dường như không làm gì được người con dâu đa tài, ngỗ ngược này.

Đâu chỉ một mình độc chiếm sự sủng ái của đế vương, Trân Tần còn ỷ sủng sinh kiêu, bắt đầu có những hành động ngông cuồng chốn hậu cung. Không những được hưởng mức sinh hoạt phí cao ngất ngưởng, tiêu xài hoang phí, Trân Tần còn lợi dụng sự sủng ái có được để nhận hối lộ từ các quan viên muốn mua chức. Tất cả những điều này đến tai Từ Hi Thái hậu đã khiến bà nổi trận lôi đình.

Vào năm Quang Tự thứ 20, nhân đại thọ 60 của Từ Hi Thái hậu, nhà vua đã sắc phong cho chị em Trân Tần lên phi. Tuy nhiên, lễ sắc phong chưa kịp diễn ra thì Trân Phi và Cẩn Phi đều bị khép vào tội "nhiều lần khất thỉnh", can thiệp chính sự và bị giáng xuống làm Quý nhân.

Khi bị Từ Hi Thái hậu trách mắng vì hành động can thiệp quốc chính, Trân Phi đáp lại với giọng mỉa mai: "Tổ tông gia pháp vốn cũng đã có chỗ không tốt, thiếp nào có gan dám. Xin Thái hậu chỉ giáo". Câu nói này của bà chẳng phải ám chỉ Từ Hi Thái hậu cũng can thiệp chính sự đó sao? Việc con dâu cãi tay đôi với mẹ chồng như thế này trong lịch sử hoàng tộc nhà Thanh quả là xưa nay hiếm.

Đến năm 1900, quân đội phương Tây bắt đầu tràn vào Bắc Kinh. Lúc này, Từ Hi Thái hậu đã lên kế hoạch bỏ trốn. Giữa tình thế loạn lạc, Trân Phi sau đó đã tuẫn tiết mà chết ở tuổi 25. Tuy nhiên, có rất nhiều truyền thuyết xoay quanh cái chết của bà. Trong đó, phổ biến nhất là việc Từ Hi Thái hậu trước khi bỏ trốn đã sai thái giám Thôi Ngọc Quý dìm Trân Phi xuống giếng.

Ảnh minh họa

Trước khi chết, Trân phi đã để lại cho mẹ chồng 3 câu nói: "Hoàng thượng sẽ không để ta chết. Người thích trốn thì cứ việc trốn. Nhưng 'Hoàng thượng' thì không nên chạy trốn". Người đời lý giải câu nói cuối cùng: "Nhưng 'Hoàng thượng' thì không nên chạy trốn" chính là Trân Phi dùng để ám chỉ Từ Hi Thái hậu. Trong thực tế, chính Từ Hi mới là "hoàng đế" thực sự của nhà Thanh lúc bấy giờ chứ không phải Quang Tự, nhưng đến lúc nước sôi lửa bỏng thì bà lại hèn nhát chạy trốn. Câu nói này có lẽ đã khiến Từ Hi phải giật mình và hổ thẹn.

Đến khi hoàng đế Phổ Nghi lên kế vị, cái chết của Trân Phi được tuyên bố là tự sát. Bà được truy phong làm Hoàng quý phi, chưa định thụy hiệu. Vào năm 1913, Trân Phi được đưa vào an táng tại địa cung phi viên tẩm của Sùng Lăng, thuộc Thanh Tây lăng. Đến năm 1921, bà chính thức được truy phong Khác Thuận Hoàng quý phi.

Giếng nước nơi Trân phi gieo mình tự vẫn đã được khóa lại. Ngày nay, nơi đó được gọi là Giếng Trân phi và là một địa điểm tham quan thu hút du khách trong Tử Cấm Thành.

BẢO LINH

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/con-dau-dam-bat-lai-ca-tu-hi-thai-hau-va-3-cau-trang-troi-khien-me-chong-phai-ho-then-a582456.html