Những địa danh, tên gọi đường phố dễ nhầm "gây lú": Chợ Long Biên không nằm ở quận Long Biên, Hồ Tùng Mậu không phải là hồ

Cách đặt tên các con đường, địa danh… không ăn nhập với tên gọi hoặc bị trùng lặp tạo nên những tình huống hài hước vì “thấy vậy mà không phải vậy”.

Có không ít người ngỡ ngàng khi biết về sự thật đằng sau những tên gọi các địa danh, đường phố… tại nhiều địa phương. Chuyện tên một đằng, thực tế một nẻo là điều rất bình thường, ví dụ như chợ Long Biên (Hà Nội) không thuộc quận Long Biên hay bến xe Gia Lâm không thuộc huyện Gia Lâm.

Bên cạnh việc “gây lú” cho nhiều người chưa quen thì việc không ăn nhập trong tên gọi này cũng tạo ra sự thú vị.

Tên những tuyến phố, con đường ẩn chứa những ý nghĩa thú vị đằng sau, thậm chí là gây nhầm lẫn cho nhiều người

Ngụy Như Kon Tum không chỉ là tên một con đường tại Hà Nội

Ngụy Như Kon Tum (1913 - 1991) là tên của một Giáo sư, nhà Vật lý học - Hoá học. Ông quê ở xã Minh Hưng (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nhưng được sinh ra tại Kon Tum. Nguỵ Như Kon Tum là Hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội ngày nay).

Tên của Giáo sư Ngụy Như Kon Tum được đặt cho một con đường thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội). Ngoài ra cũng có đường Nguỵ Như Kon Tum thuộc quận Tân Phú (TP.HCM).

Đường Nguỵ Như Kon Tum thuộc quận Thanh Xuân (Hà Nội), được lấy tên từ một Giáo sư, Nhà vật lý học

Bệnh viện Bạch Mai không nằm trên phố Bạch Mai

Bệnh viện Bạch Mai hiện nằm tại địa chỉ số 78 đường Giải Phóng (phường Phương Mai, quận Đống Đa). Nó hoàn toàn không nằm trên phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng).

Bệnh viện Bạch Mai thuộc quận Đống Đa, là một trong những bệnh viện lớn của TP. Hà Nội

Có một phố Sơn Tây ở quận Ba Đình và một thị xã Sơn Tây cách đó 45km

Ở Hà Nội có 2 địa điểm cùng tên Sơn Tây nhưng có khoảng cách rất xa nhau khiến không ít người nhầm lẫn. Cụ thể phố Sơn Tây thuộc quận Ba Đình cách thị xã Sơn Tây khoảng 45km. Vì vậy khi đến Hà Nội, nếu muốn đi Sơn Tây cần xem lại kĩ địa chỉ là Sơn Tây nào nhé!

Hình ảnh Làng cổ Đường Lâm, địa danh du lịch nổi tiếng của thị xã Sơn Tây

Chợ Long Biên không thuộc quận Long Biên

Chợ Long Biên có địa chỉ ở 195 đường Hồng Xá, phường Phúc Xá (quận Ba Đình). Sự thật là chợ Long Biên không thuộc quận Long Biên mà nằm ở quận Ba Đình.

Chợ Long Biên là khu chợ đầu mối tấp nập thuộc quận Ba Đình

Bến xe Gia Lâm không thuộc huyện Gia Lâm

Trên thực tế, bến xe Gia Lâm lại nằm trên đường Ngô Gia Khảm, thuộc quận Long Biên. Đến đây mọi người đã cảm thấy “lú” với cách đặt tên các địa điểm tại Hà Nội chưa nào!

Bến xe Gia Lâm lại không thuộc huyện Gia Lâm mà nằm ở quận Long Biên

Hồ Gươm Plaza cách Hồ Gươm 10km

Trung tâm thương mại Hồ Gươm Plaza tọa lạc trên đường Trần Phú (Mộ Lao, quận Hà Đông), trong khi Hồ Gươm thuộc quận Hoàn Kiếm. Hai địa chỉ này cách nhau trên dưới 10km.

Hồ Gươm Plaza, toà nhà trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở thuộc quận Hà Đông

1001 cách đặt tên đường gây lú toàn tập

Ông Ích Khiêm là tên một danh tướng dưới thời nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam, không phải là một “ông” tên “Ích Khiêm”.

Hồ Đắc Di là tên bác sĩ nổi tiếng, hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Y Hà Nội, không phải là cái “hồ” tên “Đắc Di”.

Hồ Tùng Mậu là tên một nhà hoạt động cách mạng và chính khách Việt Nam, không phải cái “hồ” tên “Tùng Mậu”.

Thường xuyên có sự nhầm lẫn giữa tên đường là tên các danh nhân trong lịch sử

Đặt sai tên đường ở TP.HCM

Có rất nhiều con đường tại TP.HCM được đặt tên sai so với tên thật của các danh nhân. Những ví dụ điển hình có thể kể đến như: Đoàn Như Hài (tên đúng Đoàn Nhữ Hài), Hà Tôn Quyền (tên đúng Hà Tông Quyền), Nơ Trang Long (tên đúng N’ Trang Lơng), Trần Khắc Chân (tên đúng Trần Khát Chân), Lê Thánh Tôn (tên đúng Lê Thánh Tông), Kha Vạn Cân (tên đúng Kha Vạng Cân)...

Ngoài ra, ở TP.HCM có nhiều tên đường trùng nhau nằm ở 2 quận như: An Dương Vương (quận 5 và quận Bình Tân), Lê Thị Riêng (quận 1 và quận 12), Phan Văn Trị (quận 5 và quận Gò Vấp), đường Song Hành (quận 12, Hóc Môn, Quận Thủ Đức, quận 2). Riêng quận Bình Tân có tới hai con đường cùng tên Ấp Chiến Lược…

Rất nhiều tên đường ở TP. HCM được đặt sai so với tên gốc

Trên thực tế, tên đường thường đặt theo tên danh nhân, người có công, sự kiện lịch sử, văn hoá, tên địa danh hoặc tên theo tập quán... Có muôn hình vạn trạng tên đường phố, địa danh trên dọc dải đất hình chữ S, đem lại sự đa dạng và thú vị khi tìm hiểu ý nghĩa đằng sau.

THÀNH GIANG

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhung-dia-danh-ten-goi-duong-pho-de-nham-gay-lu-cho-long-bien-khong-nam-o-quan-long-bien-ho-tung-mau-khong-phai-la-ho-a582618.html