Ngôi làng cổ đẹp như tranh tại Quảng Nam, người dân phất như "diều gặp gió" nhờ nghề truyền thống lâu đời

Ngoài chuyện là làng nghề truyền thống đem lại mức thu nhập cao cho người dân, Thanh Hà còn ẩn chứa vẻ đẹp cổ kính của một ngôi làng cổ.

Quảng Nam là vùng đất có nhiều thứ cổ ở miền Trung, như phố cổ Hội An nổi tiếng là một đô thị còn lưu giữ vẹn nguyên nét đẹp của kiến trúc truyền thống với 1000 di tích; thánh địa Mỹ Sơn... Và chúng ta không thể không nhắc đến ngôi làng cổ mang tên gốm Thanh Hà - mang vẻ đẹp mộc mạc trường tồn cùng tháng năm.

Người dân xứ Quảng cho biết, nghề gốm vốn là nghề truyền thống có lịch sử lâu đời tại phố Hội. Thời Trung đại, sự phát triển của làng gốm luôn gắn bó chặt chẽ với cảng thị Hội An, tác động qua lại lẫn nhau.

"Thương cảng Hội An bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ cuối thế kỷ XVI. Lúc này Hội An không chỉ là trạm trung chuyển trên con đường mậu dịch hàng hải quốc tế mà còn là thương cảng lớn và sầm uất nhất ở khu vực Đông Nam Á.

Sự phồn thịnh của cảng thị đã giúp ngành nghề thương mại ở Quảng Nam phát triển, mở ra cơ hội để các nghề thủ công truyền thống, tiểu công nghiệp hình thành. Chúng đã phát triển, phục vụ giao thương, mua bán và nhu của người dân. Từ đó nghề gốm ra đời rồi trở thành nghề chính của cư dân sống tại làng Thanh Hà", chị Bích Tuyền (50 tuổi) - người dân sống tại phố cổ Hội An cho biết.

Làng nghề làm gốm tại Thanh Hà.

Từ thế kỷ XVII đến XVIII, làng gốm Thanh Hà phát triển hơn bao giờ hết, người dân làm ăn thành đạt, phất lên như diều gặp gió. Thậm chí ngành này thịnh vượng đến độ dân trong vùng ai cũng ngưỡng mộ, muốn theo nghề gốm nhưng không được truyền bí kíp. Hiện làng không chỉ duy trì hoạt động sản xuất nghề mà còn trở thành làng du lịch thu hút khách tham quan trong nước và quốc tế ghé tới tìm hiểu, trải nghiệm.

"Ngoài chuyện là làng nghề truyền thống đem lại mức thu nhập cao cho người dân, Thanh Hà còn ẩn chứa vẻ đẹp cổ kính của một ngôi làng cổ. Khi đặt chân đến đây, du khách sẽ cảm giác như lạc vào một chốn bình yên, tránh xa xô bồ của cuộc sống đô thị hóa ngày càng mạnh.

Đến đây, du khách có cơ hội được tìm hiểu toàn bộ lịch sử thú vị liên quan đến làng Thanh Hà. Đặc biệt ai ghé đúng dịp tháng Giêng sẽ được trải nghiệm lễ hội độc đáo và thú vị", chị Bích Tuyền nói.

Từ thế kỷ XVII đến XVIII, làng gốm Thanh Hà phát triển hơn bao giờ hết, người dân làm ăn thành đạt, phất lên như diều gặp gió.

Theo đó tại làng gốm Thanh Hà, vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm có lễ cúng tổ nghề -  dịp người dân tập trung làm lễ rước kiệu tổ nghề, tham gia các trò chơi dân gian vui nhộn như chuốt gỗ, nấu cơm niêu… và cầu mong cho một năm mới bình yên, công việc thuận buồm xuôi gió, phát triển.

Ở ngôi làng cổ xứ Quảng còn có một công viên đất nung được mệnh danh là thế giới gốm Việt thu nhỏ, có diện tích lớn nhất cả nước - 6000m vuông. Nơi đây bảo tồn, lưu giữ những sản phẩm gốm của làng gốm Thanh Hà để giới thiệu sản phẩm gốm Việt Nam đến du khách thập phương.

"Và một điểm đặc biệt làm nên "thương hiệu" của làng chính là con người - các nghệ nhân. Họ hiếu khách, sẵn sàng tiếp đón "người lạ" một cách nồng hậu. Họ coi khách giống như gia đình, sẻ chia quá trình làm gốm để tất cả cùng nhau chiêm ngưỡng", chị Bích Tuyền nói.

Người dân Thanh Hà hiếu khách, sẵn sàng tiếp đón "người lạ" một cách nồng hậu.

Chỉ cần "người lạ" ngỏ ý muốn mục sở thị quy trình làm gốm, người làng Thanh Hà sẽ xắn tay áo, ngay lập tức... sáng tạo. Các nghệ nhận sẽ dùng sự khéo léo, tinh tế của mình để “hô biến” khối đất sét thô sơ, thô cứng mộc mạc trở thành sản phẩm gốm sứ vô cùng đẹp mắt.

"Có rất nhiều công đoạn tạo nên một sản phẩm gốm: Tạo hình đất sét trên bàn xoay, vẽ trang trí, đem gốm đi hong khô và đưa vào lò nung… Người thợ làng nghề không chỉ sáng tạo, khéo léo mà họ còn cực kỳ yêu nghề khi luôn nâng niu nhẹ nhàng và gửi hồn vào từng khối đất.

Ngoài ra họ phải có sự kiên nhẫn và tình yêu mãnh liệt với nghề gốm để có thể ngồi hàng giờ đồng hồ tỉ mẩn, nâng niu, chăm chút cho từng sản phẩm mang đậm phong cách cá nhân của mình", người phụ nữ Hội An nói.

Người thợ làng nghề không chỉ sáng tạo, khéo léo mà họ còn cực kỳ yêu nghề khi luôn nâng niu nhẹ nhàng và gửi hồn vào từng khối đất.

Nhắc đến vấn đề hiện làng Thanh Hà có bao nhiêu hộ dân theo nghề gốm, chị Bích Tuyền cho biết, hiện có 32 hộ làm gốm với 134 lao động trên tổng số 320 hộ. Trong đó có 5 hộ làm gốm truyền thống, 13 hộ làm con thổi, số còn lại là hộ làm gốm mỹ nghệ và có ít nhất là 3 người buôn gốm chuyên nghiệp; có 4 lò gốm truyền thống (lò úp, lò bầu), 4 lò ngửa để nung gốm mỹ nghệ, 5 lò ngửa để nung con thổi. Đội ngũ thợ gốm ở Thanh Hà hiện nay đều là hậu duệ của các tộc tiền hiền làng Thanh Hà: Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Nguỵ, Bùi, Phạm, Lê.

Với giá trị tiêu biểu, Nghề gốm Thanh Hà được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 2965/QĐ-BVHTTDL ngày 27/8/2019.

NGỌC HÀ

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ngoi-lang-co-dep-nhu-tranh-tai-quang-nam-nguoi-dan-phat-nhu-dieu-gap-gio-nho-nghe-truyen-thong-lau-doi-a583065.html