FLC bị cưỡng chế thu 1,6 tỷ đồng tiền nợ thuế

Cục thuế Tỉnh Quảng Ninh quyết định áp dụng cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản Tập đoàn FLC để thu gần 1,6 tỷ đồng nợ thuế.

CTCP Tập đoàn FLC (HoSE: FLC) vừa thông báo đã nhận được 3 quyết định cưỡng chế thuế từ Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh.

Theo đó, FLC bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của tập đoàn mở tại 3 ngân hàng là Ngân hàng Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Công Thương Việt Nam - chi nhánh Quảng Ninh và Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Quảng Ninh.

Lý do là bởi công ty nợ thuế thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế với tổng số tiền bị cưỡng chế là gần 1,6 tỷ đồng. Thời hạn tiến hành cưỡng chế bắt đầu từ ngày 30/11 đến ngày 29/12/2022.

Đây không phải lần đầu tiên FLC nhận được quyết định cưỡng chế thuế trong năm nay. Kể từ khi Cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết bị bắt, Tập đoàn này cũng đã nhiều lần bị cưỡng chế/xử lý thuế trong nửa năm trở lại đây.

Thậm chí, tổng giá trị số tiền bị cưỡng chế đã lên tới gần 1.390 tỷ đồng từ các cơ quan quản lý thuế tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Về bức tranh tài chính, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2022 được FLC công bố, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đi lùi 70% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 429 tỷ đồng.

Kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp lỗ gộp hơn 96 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ tiêu này ghi nhận đang dương 144 tỷ đồng. Với việc doanh thu thấp mà chi phí nối đuôi tăng cao, doanh nghiệp báo lỗ 785 tỷ đồng trong quý III/2022.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tập đoàn này lỗ hơn 1.890 tỷ đồng, trái ngược hoàn toàn với khoản lãi gần 70 tỷ đồng cùng kỳ năm 2021.

flc-1670398527.PNG
 

FLC nêu nguyên nhân doanh thu giảm mạnh do tình hình chung của thị trường bất động sản, sự thay đổi trong chính sách tín dụng dành cho chủ đầu tư. Đồng thời, FLC cho biết doanh nghiệp đang trong quá trình tái cấu trúc lại các vị trí lãnh đạo chủ chốt, các mảng kinh doanh cốt lõi nên có sự ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.

Bên cạnh đó, lợi nhuận của FLC giảm mạnh cũng do khoản lỗ tăng từ mảng đầu tư hàng không, khách sạn. Đây là hai mảng kinh doanh đang trên đà phục hồi tích cực, tuy nhiên nhiều diễn biến bất lợi mang tính khách quan của thị trường (như giá nhiên liệu tăng cao, thị trường quốc tế phục hồi chậm...) khiến lợi nhuận của hai lĩnh vực này chưa thực sự đạt như kỳ vọng.

Thuyết minh tại phần đầu tư dài hạn, FLC cho biết khoản đầu tư vào CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) có giá gốc 4.015 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2022, FLC đã lỗ gần 1.269 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh của Bamboo Airways.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/flc-bi-cuong-che-thu-16-ty-dong-tien-no-thue-a583237.html