Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiều cử tri quan tâm đến công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, đặc biệt ảnh hưởng của lũ lụt; công tác quản lý, vận hành các hồ chứa thủy lợi, thủy điện trong mùa mưa lũ.
Liên quan đến các vấn đề cử tri chất vấn, ông Phạm Văn Hoá - Giám đốc sở Công Thương Nghệ An chỉ rõ, quy trình liên hồ chứa do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tại Nghệ An có 2 quy trình liên hồ là Sông Cả và Sông Mã. Trên lưu vực sông Cả gồm, Bản Vẽ, Khe Bố, Nậm Nơn, Chi Khê, Châu Thắng, Nhạn Hạc A, Nậm Mô, Bản Ang, Bản Mồng (Bản Mồng chưa vận hành); Liên hồ Sông Mã gồm: Hủa na, Đồng văn (hạ lưu đổ về tỉnh Thanh Hóa liên quan ít đến Nghệ An).
UBND tỉnh phê duyệt, công bố công khai hoặc phân cấp cho UBND cấp huyện phê duyệt, công bố công khai quy trình vận hành hồ chứa thủy điện, trừ hồ chứa thuộc thẩm quyền của Bộ và Chủ đầu tư tự phê duyệt ở trên. Cũng theo Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, hiện nay, trên địa bàn có 22 hồ chứa thủy điện đang tích nước phát điện. Có 2 hồ chứa là hồ điều tiết năm và nhiều năm (Hủa Na, Bản Vẽ), còn lại 20 hồ chứa là hồ vận hành theo chế độ điều tiết ngày đêm.
Công tác cảnh báo khi vận hành xả lũ trong trường hợp bình thường và trong tình huống khẩn cấp, cảnh báo khi vận hành phát điện được quy định rõ trong Quy trình vận hành liên hồ và đơn hồ chứa. Cụ thể: Quy định tối thiểu trước 04 giờ phải thông báo trước khi vận hành mở cửa xả nước đầu tiên.
Đồng thời chủ hồ phát tín hiệu cảnh báo, phát lệnh, truyền lệnh, thực hiện lệnh vận hành xả lũ. Việc cảnh báo sớm cho người dân ở vùng hạ du trước khi hồ chứa thủy điện xả lũ thời gian qua được thực hiện bằng văn bản, tin nhắn, loa truyền thanh, hệ thống Đài phát thanh, truyền hình và báo đến người dân vùng hạ du hồ chứa thủy điện theo thời gian quy định tại quy trình vận hành để người dân chủ động phòng tránh.
Liên quan đến vấn đề vận hành xả lũ, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, cho biết Nghệ An hiện có 1.061 hồ chứa thủy lợi và 22 hồ thủy điện, trong đó có 687 hồ chưa được nâng cấp, sửa chữa. Hầu hết các hồ chứa thủy lợi chưa có thiết bị đo đạc, quan trắc, cảnh báo an toàn đập và xây dựng bản đồ ngập lụt.
Theo ông Đệ, việc vận hành 22 hồ chứa thủy điện đang hoạt động tại Nghệ An đều tuân thủ theo quy trình đã được phê duyệt. Các dữ liệu này được kết nối trực tuyến hằng ngày với bộ, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của tỉnh để theo dõi, giám sát. Qua kiểm tra cho thấy các chủ hồ, địa phương cơ bản đã thực hiện đúng quy định khi xả lũ như bằng điện thoại, văn bản, loa phát thanh cho người dân và thông báo người dân tối thiểu trước 4 giờ.
Tại phiên chất vấn này, ông Thái Thanh Quý Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nêu rõ, cả nước có 1700 hồ chứa nước thuỷ lợi, thuỷ điện, riêng Nghệ An có 22 hồ thuỷ điện có 1083 đập hồ chứa nước thuỷ điện, thuỷ lợi, chiếm 15,3% của cả nước. Nghệ An quản lý lượng rất lớn về các hồ đập, địa phương chịu tác động trực tiếp nặng nề thiên tai, nhất là lũ và lụt. Trong năm 2022, năm thiên tai ảnh hưởng nghiệm trọng đời sống nhân dân, chỉ tính riêng cơn bão số 4 thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng.
Hàng năm, việc vận hành hồ chứa thuỷ điện, thuỷ lợi được cử tri quan tâm lo lắng. Tuy nhiên nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An đã làm được số việc nhất định, như cơ chế điều hành thống nhất từ tỉnh xuống đến xã, bằng cách thành lập ban chỉ huy phòng chống tiên tai, tìm kiếm cứu nạn, xây dựng quy chế chính quyền địa phương các ngành với các chủ hồ chứa để thực hiện quy trình vận hành hồ chứa.
Tuy nhiên, theo ông Thái Thanh Quý thực tiễn có một số nhiệm vụ quan tâm trong thời gian tới. Thời gian qua, số lượng công trình xuống cấp nhiều, nguy cơ rất cao về an toàn, cần phải giải quyết một cách căn cơ không ảnh hưởng đến tài sản và cuộc sống người dân. Chúng ta còn thiếu các thiết bị quan trắc, không theo dõi, không kiểm tra được cách thông minh, hệ thống giám sát chưa đảm bảo. Một số bộ phận cán bộ chính quyền cơ sở chưa hết trách nhiệm trong việc tuyên truyền cảnh báo cho người dân chưa hiệu quả, đây là cả một vấn đề từ cơ sở.
“Đặc biệt, việc xả lũ thông tin tuyên truyền cảnh báo đến người dân ở hạ du bị ảnh hưởng của hồ thuỷ điện còn khoảng trống không giám sát được. Đơn cử, thuỷ điện thông báo lúc 2h sáng mà 6h sáng xả dân đang ngủ, không chuẩn bị kịp…quy định như thế nhưng trong thục tiễn có bất cập thì cần phải có cách khắc phục”, ông Thái Thanh Quý nhấn mạnh.
Bí thư tỉnh uỷ Nghệ An nhấn mạnh, cần tăng cường đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, an toàn đập, hồ chứa nước; kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các hoạt động đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước trên địa bàn. Tăng cường đầu tư sửa chữa, nâng cấp đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo an toàn trước mùa mưa, lũ hàng năm. Tổ chức diễn tập, hướng dẫn nhân dân chủ động ứng phó với các tình huống khẩn cấp.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nghe-an-cu-tri-quan-tam-den-cong-tac-phong-ngua-khac-phuc-hau-qua-thien-tai-a583398.html