Sáng 12/12, TAND TP.HCM tiếp tục phiên tòa xét xử Nguyễn Thái Luyện, 36 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba và 22 đồng phạm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Rửa tiền.
Theo Tri thức trực tuyến, sau 3 ngày thẩm vấn các bị cáo. Sáng 12/12, hơn 1.400 bị hại được tòa triệu tập để tham gia xét hỏi các dự án liên quan. Tuy nhiên, chỉ khoảng 200 bị hại đến tòa, các bị hại đến từ TP.HCM, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu...
Tại tòa, HĐXX xét hỏi từng bị hại theo từng dự án cụ thể, chủ yếu hỏi về mong muốn của các bị hại đối với bất động sản mà họ đã mua của Công ty Alibaba.
Đáng nói, dù vụ án được nhiều luật sư đánh giá khá phức tạp, tỷ lệ đòi lại tiền hoặc đất sẽ mất khá nhiều thời gian, thế nhưng một số bị hại vẫn khăng khăng chỉ muốn nhận lại đất mà không nhận tiền.
VTC News tường thuật phiên tòa cho hay, HĐXX hỏi một bị hại có yêu cầu gì? Người này nói muốn lấy lại lô đất mà mình đã mua. HĐXX tiếp tục hỏi người này có muốn tòa án giải quyết cho lấy lại số tiền không, bị hại này trả lời: "Không, tôi chỉ muốn nhận đất thôi!".
Tương tự, một bị hại khác trả lời trước tòa: "Tôi yêu cầu nhận lại đất. Dù đất nông nghiệp tôi cũng nhận, tôi không đồng ý phương án nhận tiền".
Bên cạnh một số bị hại khăng khăng chỉ nhận đất, nhiều bị hại khác mong muốn nhận đất hay tiền đều được, miễn sao lấy lại được tài sản.
Bị hại Ninh Thị Bích Thu đầu tư gần 4 tỷ đồng cho 10 lô đất tại các dự án của Công ty Alibaba. Bà Thu có yêu cầu 1 phần lấy đất, 1 phần lấy tiền.
Bị hại Đoàn Tố Nhi mua đất tại 2 dự án của Công ty Alibaba với tổng số tiền gần 600 triệu đồng. Bà Nhi yêu cầu lấy lại tiền vốn và tiền lãi 3 năm qua vì thời điểm ký hợp đồng với Công ty Alibaba có yêu cầu nếu công ty không làm được sổ đỏ sẽ trả lãi cho khách hàng 30%.
Theo cáo buộc, năm 2016, Nguyễn Thái Luyện thành lập Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, Luyện thành lập 22 công ty con, trong đó sử dụng 12 pháp nhân làm chủ đầu tư 58 dự án bất động sản không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận; sau đó tự phân lô, tách thửa trái pháp luật, quảng cáo để bán cho hàng nghìn người.
Toàn bộ các dự án đều được vẽ trái phép trên đất nông nghiệp đặc biệt lớn, quảng cáo không đúng sự thật, chuyển nhượng cho khách hàng. Bằng thủ đoạn trên, Luyện đã chỉ đạo các nhân viên dưới quyền chiếm đoạt gần 2.400 tỷ đồng của 4.560 khách hàng. Trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã làm việc được với 4.065 khách hàng, tương đương số tiền hơn 2.100 tỷ đồng bị chiếm đoạt.
Việt Hương (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xet-xu-vu-cong-ty-alibaba-lua-dao-bi-hai-chi-muon-nhan-lai-dat-khong-muon-nhan-tien-a583669.html