Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung kiến nghị: “Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xem xét xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc mua, bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng, đồng thời cần có thêm những chủ trương, chính sách hợp lý hơn để công nhân, lao động nghèo có thể tiếp cận các dự án nhà ở xã hội”, kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM.
Về vấn đề này, Bộ Xây dựng thông tin: Liên quan đến việc xử lý tình trạng đối tượng mua nhà ở xã hội chưa đúng quy định, vừa qua, Bộ Xây dựng đã chủ trì nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 về quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Theo đó, tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 6 Điều 64 có quy định cụ thể hành vi vi phạm về bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng theo quy định và biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi nhà ở xã hội và buộc hoàn trả bên mua, bên thuê mua số tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Đồng thời, Bộ Xây dựng đã có các văn bản đôn đốc các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm trong việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Về chủ trương, chính sách để công nhân, người lao động nghèo có thể tiếp cận các dự án nhà ở xã hội, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự nỗ lực trong việc tạo dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp (trong đó có công nhân, người lao động nghèo), gặp khó khăn về chỗ ở.
Cụ thể, Luật Nhà ở năm 2014; Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ về quản lý và phát triển nhà ở xã hội (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP); Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP.
Theo đó, tại Điều 49 Luật Nhà ở năm 2014 đã quy định 10 nhóm đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội (trong đó bao gồm công nhân, người lao động nghèo).
Người thu nhập thấp (trong đó có công nhân, người lao động nghèo) được mua, thuê mua nhà ở xã hội nếu đáp ứng các điều kiện về nhà ở, cư trú, thu nhập (khoản 1 Điều 51 Luật Nhà ở năm 2014).
Ngoài ra, người thu nhập thấp (trong đó có công nhân, người lao động nghèo) được hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở (khoản 1 và 4 Điều 50 Luật Nhà ở năm 2014).
Hiện nay, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao chủ trì, nghiên cứu sửa đổi Luật Nhà ở. Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung chính sách nhà ở cho đối tượng người thu nhập thấp (trong đó có công nhân, người lao động nghèo) để góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho các đối tượng là người thu nhập thấp ở khu vực đô thị (trong đó có công nhân, người lao động nghèo) có nhiều cơ hội tiếp cận và mua, thuê, thuê mua nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm “an cư lạc nghiệp”.
Sẽ ưu tiên cho vay với các dự án nhà ở xã hội có hiệu quả
Tại Nghị quyết 156/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2022 vừa qua, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chỉ đạo các tổ chức tín dụng khẩn trương xem xét ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả.
Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ tri, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa và các chính sách khác, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, thích ứng kịp thời với diễn biến tình hình trong và ngoài nước; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, cung cấp vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên tạo động lực tăng trưởng, trong đó có các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Bảo đảm thanh khoản, an toàn của hệ thống ngân hàng gắn với tăng cường thanh tra, giám sát. Có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, tình trang đô la hóa và vàng hóa trong nền kinh tế.
Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung xử lý nợ xấu và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương khẩn trương rà soát, nghiên cứu sửa đổi Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019, trong đó lưu ý quy định phù hợp về sử dụng tiền gửi kho bạc nhà nước tại tổ chức tín dụng, hoàn thành trước ngày 15/12/2022; Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong việc mua, bán trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao tín nhiệm, tăng cường minh bạch thông tin và kiểm soát chặt chẽ rủi ro.
Đánh giá kỹ tình hình triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua hệ thống ngân hàng thương mại để có giải pháp thích hợp, trước mắt khẩn trương sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp thực tế để thúc đẩy, tạo thuận lợi cho việc giải ngân; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền việc điều chỉnh vốn sang chương trình khác để nâng cao hiệu quả chính sách tiền tệ.
Tuệ Minh
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tao-dieu-kien-cho-nguoi-thu-nhap-thap-co-nhieu-co-hoi-mua-nha-o-xa-hoi-a583695.html