Trong bữa ăn và sau khi ăn no
Uống nước trong bữa ăn sẽ khiến thể tích dạ dày tăng lên, hệ tiêu hóa cũng phải làm việc vất vả hơn, rất có hại. Người bị trào ngược dạ dày thực quản tuyệt đối không nên uống nước khi đang ăn.
Việc uống một ly nước trước khi ăn giúp bạn mau no hơn, tốt cho việc giảm cân. Tuy nhiên, bạn không nên uống quá nhiều nước trước và sau bữa ăn vì sẽ gây khó chịu.
Khi ăn đồ cay
Cảm giác nóng rát sau khi ăn đồ cay khiến bạn muốn uống nước ngay lập tức, tuy nhiên phân tử capsaicin trong các loại gia vị cay có tính chất phân cực. Uống nước không thể giảm cay, trái lại còn khiến capsaicin lan ra khắp miệng và ống dẫn thức ăn, làm tình trạng trơ nên tồi tệ hơn. Để bớt khó chịu, bạn hãy chọn uống sữa - chất lỏng ít phân cực hơn nước.
Giữa buổi tập luyện nặng
Nhiệt độ cơ thể tăng cao, tạo cảm giác nóng nực khi bạn tập luyện nặng. Thời điểm này, bạn đừng vội uống nhiều nước để làm mát, nếu không bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ rối loạn cân bằng điện giải với các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt.
Việc này đặc biệt nguy hiểm với người mắc bệnh tim. Trên thực tế, Mỹ từng ghi nhận một trường hợp tử vong do uống quá nhiều nước lúc tập luyện. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, người tập luyện nên uống nước như sau:
- 1-2 tiếng trước khi tập luyện: Uống 450-600ml
- 15 phút trước khi tập luyện: Uống 250-300ml
- Trong lúc tập: Uống khoảng 250ml mỗi 15 phút
Trước khi đi ngủ
Uống nước trước khi đi ngủ có thể khiến bạn phải thức dậy đi vệ sinh, dẫn đến gián đoạn thời gian, ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ. Bên cạnh đó, thận làm việc chậm hơn vào buổi đêm nên việc uống quá nhiều nước trước khi ngủ sẽ khiến tay, chân, mặt dễ bị sưng phù khi thức dậy.
Nếu muốn uống nước, bạn hãy nhấp những ngụm nhỏ để giảm khô miệng. Tốt nhất, nên uống nước cách thời gian đi ngủ 2 tiếng.
Khi đã uống quá nhiều nước trong ngày
Không ít người nghĩ uống càng nhiều nước càng tốt. Trên thực tế, cơ thể chỉ cần tối đa khoảng 2-2,5 lít nước/ngày. Uống quá nhiều nước sẽ phản tác dụng, thậm chí ảnh hưởng tới chức năng của thận.
Khi lượng nước nạp vào vượt quá nhu cầu của cơ thể, thận phải làm việc nhiều hơn để đào thải nước ra bên ngoài. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến chức năng thận dần kém đi, không thể điều hòa được các thành phần quan trọng trong máu.
Khi nước tiểu trong suốt, gần như không màu
Bạn có thể dựa vào màu nước tiểu để biết bản thân có cần bổ sung thêm nước hay không. Nước tiểu có màu vàng sáng cho thấy cơ thể đã đạt đến trạng thái hydrat hóa tối ưu. Trong trường hợp nước tiểu đậm màu, cơ thể lúc này đang bị thiếu nước.
Nếu thấy nước tiểu trong, gần như không có màu thì bạn nên giảm lượng nước uống vì đó là biểu hiện của việc cơ thể đang thừa nước. Thừa nước sẽ làm giảm nồng độ natri, từ đó dẫn tới hàng loạt vấn đề sức khỏe, trong đó có đau tim.
Đinh Kim (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/6-thoi-diem-khong-nen-uong-nuoc-keo-hai-suc-khoe-a583696.html