Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục, thách thức còn ở phía trước

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, cà phê Việt Nam cũng đứng trước nhiều thách thức, khó khăn để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Kim ngạch xuất khẩu lập kỷ lục

Tại Hội nghị quốc tế ngành cà phê Việt Nam năm 2022 do Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị tổ chức ngày 11/12, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,5 triệu tấn cà phê, đạt trên 3,55 tỷ USD (tăng 31,3% so với cùng kỳ). Đây là mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong những niên vụ vừa qua, khẳng định Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về cà phê.

"Dự kiến hết năm 2022, xuất khẩu cà phê có thể đạt từ 3,9 - 4 tỉ USD", ông Tiến nhận định.

Theo ông Tiến, ngành cà phê Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về diện tích, năng suất, sản lượng, từng bước xây dựng công nghiệp chế biến cà phê hiện đại, đa dạng sản phẩm, phù hợp thị hiếu thị trường.

Các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang từng bước tăng cường xuất khẩu cà phê chế biến, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu cà phê thô, mở ra triển vọng tích cực cho ngành cà phê.  Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích nghi, khai thác, tận dụng hiệu quả những cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mang lại, nhanh chóng giành lại thị phần đã mất và từng bước mở rộng kim ngạch xuất khẩu.

Thách thức còn ở phía trước

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá dù đạt nhiều thành tựu nhưng sản xuất cà phê nước ta còn tồn tại nhiều hạn chế như: tăng trưởng cao chưa bền vững, tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều rủi ro, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật còn hạn chế. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng và quy trình sơ chế, chế biến, chế biến sâu còn yếu dù đã có những nhà máy quy mô tới 500 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, ngành cà phê đang đối mặt với nhiều thách thức do ảnh hưởng kéo dài từ dịch bệnh Covid-19, những biến động của tình hình kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng, gia tăng lạm phát, sức mua giảm. Ngoài ra, xuất khẩu cà phê còn chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ các nước xuất khẩu khác như Brazil, Ấn Độ, Colombia,…

Ông Lê Hoàng Tài, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU,… ngày càng gia tăng yêu cầu về chất lượng, tính bền vững đối với các sản phẩm. Mới đây nhất, ngày 6/12, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận cấm nhập khẩu một số sản phẩm được xem là yếu tố chính thúc đẩy phá rừng, trong đó có cà phê. Đây rõ ràng là thích thực vô cùng lớn nhưng cũng là cơ hội để cho các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam thay đổi, thích ứng và phát triển.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, cho rằng, hiện nay, Brazil có diện tích trồng cà phê rất lớn, gây sức ép cạnh tranh rất lớn đối với cà phê Việt. Do đó, cà phê Việt Nam cần nhanh chóng tìm chỗ đứng cho mình, đó là cần nhanh chóng đầu tư vào chiều sâu. Cùng với đó là trồng các loại giống có năng suất cao và xây dựng thị trường hàng hóa bền vững. Đồng thời, cũng cần tạo ra các sản phẩm cà phê có sự khác biệt.

Giải pháp nâng cao giá trị hạt cà phê Việt

Kinh tế - Xuất khẩu cà phê lập kỷ lục, thách thức còn ở phía trước

Ảnh minh họa.

Để nâng cao giá trị cà phê cho nhà sản xuất, đảm bảo cuộc sống ổn định của người trồng cà phê, ông Đỗ Hà Nam cho rằng cần đẩy mạnh các chương trình cà phê bền vững, cà phê chất lượng có các chứng nhận quốc tế như 4C, Rain Forest… với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tổ chức quốc tế, các nhà rang xay hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, phát triển cà phê cảnh quan được xác định là hướng đi có nhiều tiềm năng, mang lại lợi ích kép, khi vừa nâng cao giá trị cà phê, vừa phát triển du lịch; cùng với đó đẩy mạnh các loại giống có năng suất cao và xây dựng thị trường hàng hóa bền vững; đồng thời, cũng cần tạo ra các sản phẩm cà phê có sự khác biệt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu. Tuy nhiên, thay vì sản xuất cà phê đại trà để lấy số lượng, hiện nay nhiều người dân đã chuyển đổi sang sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chất lượng cao, cà phê hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ có giá trị gia tăng cao. Việc chuyển đổi sản xuất được bà con hưởng ứng nhờ có sự liên kết bao tiêu của doanh nghiệp.

Để nâng cao giá trị hạt cà phê, ngành cà phê Việt Nam cần phát triển theo hướng chuỗi giá trị. Việc liên kết sản xuất giúp nông dân tạo ra số lượng sản phẩm lớn hơn, chất lượng đồng đều hơn; doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình thu mua, giảm chi phí, tỉ lệ hao hụt trong chế biến, lợi nhuận cao hơn sẽ hỗ trợ trở lại cho nông dân.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cà phê như: Đề án phát triển cà phê bền vững; Đề án tái canh cà phê; Đề án sản phẩm quốc gia "Cà phê Việt Nam chất lượng cao" để đồng hành hỗ trợ cùng các doanh nghiệp và người trồng.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, để giảm bán hàng theo "bao", tăng bán hàng theo "gói", sự đầu tư vào công nghiệp chế biến sâu gắn với quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt là đòi hỏi tất yếu.

"Giá trị cà phê hội tụ, kết tinh cả giá trị thổ nhưỡng, khí hậu và nét văn hóa của người Việt Nam. Phát triển khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu và kiểu dáng, bao bì nhãn mác. Một việc quan trọng nữa là cần xúc tiến thị trường thương mại. Nếu cà phê muốn phát triển thì phải được đón nhận ở các thị trường, đặc biệt như thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc đều phải vươn tới thì chúng ta mới có giá trị gia tăng cao, sản lượng lớn, kim ngạch xuất khẩu mới được tăng lên", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/xuat-khau-ca-phe-lap-ky-luc-thach-thuc-con-o-phia-truoc-a583865.html