Nợ cán mốc hàng trăm tỷ đồng
Như Đời sống và Pháp luật đã thông tin trong bài viết: Công ty Công Chánh – Bài 1: Điệp khúc trúng thầu sát giá và những mối quan hệ tín dụng thân thiết, phản ánh việc công ty Cổ phần Công trình giao thông Công Chánh (sau đây gọi tắt là công ty Công Chánh – PV) trúng 106 gói, tổng giá trị 3.612.527.607.277 đồng. Trong đó, hàng chục gói có tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, thậm chí có những gói loanh quanh mức 0 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn có nhiều giao dịch huy động vốn từ các ngân hàng như: ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) - chi nhánh Bắc Sài Gòn; ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh TP.HCM; ngân Hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội chi nhánh Long An…
Ở một góc nhìn khác về bức tranh tài chính của doanh nghiệp này cho thấy, trong giai đoạn 2019-2021, tổng tài sản tại công ty Công Chánh lần lượt là: 854,440 tỷ đồng (2019); 909,128 tỷ đồng (2020); 751,723 tỷ đồng (2021).
Đáng nói, tuy có tăng quy mô nhưng nguồn vốn tại công ty Công Chánh lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả. Nợ phải trả trong giai đoạn này liên tục gia tăng, cụ thể là hơn 573,035 tỷ đồng vào năm 2019, 628,383 tỷ đồng vào năm 2020.
Tính đến tháng 12/2021, nợ phải trả của doanh nghiệp là 476,287 tỷ đồng (chiếm gần 1,73 lần vốn chủ sở hữu). Cơ cấu nợ của công ty Công Chánh chủ yếu là nợ ngắn hạn, đặc biệt là các khoản phải trả.
Được biết, mới đây ngay sau khi trúng gói thầu xây lắp 1, ngày 07/01/2022, doanh nghiệp này lập tức đem toàn bộ hàng hóa phục vụ cho Hợp đồng xây dựng công trình số 193/2022/HĐ-BQLDA ngày 28/10/2022 về việc thực hiện Gói thầu: "Xây lắp 1: Xây dựng đường, hệ thống thoát nước" thuộc công trình "Nâng cấp và mở rộng đường Lê Tấn Bê (đoạn từ Đại lộ Đông Tây đến ranh Quận 8), phường An Lạc, Quận Bình Tân giữa ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Tân, TP.HCM và công ty Công Chánh; để thế chấp cho khoản vay của mình tại ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) - chi nhánh Bắc Sài Gòn.
Doanh thu hàng trăm tỷ, lãi sau thuế chỉ vài tỷ
Theo nghiên cứu tìm hiểu, trong giai đoạn 2019-2021, tài sản của công ty Công Chánh không ngừng biến động, cụ thể, từ mức 854,440 tỷ đồng vào năm 2019, tăng lên 909,128 tỷ đồng vào năm 2020 và biến động giảm xuống còn 751,723 tỷ đồng vào năm 2021. Chiếm phần lớn tổng tài sản của Công ty này là tài sản ngắn hạn, đặc biệt là các khoản phải thu ngắn hạn.
Năm 2019, công ty Công Chánh ghi nhận doanh thu đạt 377,829 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đưa về trên sổ sách chỉ gần 9,460 tỷ đồng. Bước sang năm 2020, doanh thu tăng vọt lên đến 479,910 tỷ đồng, tăng 27,02%, tương ứng 102,081 tỷ đồng so với cùng kỳ, thế nhưng lãi ròng cuối năm 2020 chỉ dừng lại 11,890 tỷ đồng. Đến năm 2021, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp tụt dốc, doanh thu đạt 388,808 tỷ đồng, giảm 18,98%, tương ứng 91,102 tỷ đồng so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đưa về vỏn vẹn 6,581 tỷ đồng.
Quay trở lại kết quả kinh doanh cho cả giai đoạn 2019-2021, doanh thu hàng trăm tỷ đồng, nhưng giá vốn hàng bán lại không thể kiểm soát và luôn neo ở mức cao, lần lượt 362,055 tỷ đồng (2019), 475,262 tỷ đồng (2020) và 369,977 tỷ đồng (2021), nên lợi nhuận gộp còn lại của công ty Công Chánh cũng “teo tóp” đi nhiều. Từ năm 2019-2021, lợi nhuận gộp của doanh nghiệp lần lượt là 14,089 tỷ đồng; 17,817 tỷ đồng; 14,945 tỷ đồng.
Bảng lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền kinh doanh của công ty Công Chánh khá bấp bênh trong 3 năm qua. Cụ thể, năm 2019, dòng tiền âm 19,047 tỷ đồng, năm 2020 lại âm đột biến 54,420 tỷ đồng.
Dòng tiền kinh doanh biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Rất may, tình trạng âm dòng tiền kinh doanh Công Chánh tuy vẫn là con số âm nhưng đã được cải thiện đáng kể vào năm 2021, với con số âm 9,458 tỷ đồng; cùng kỳ năm 2020 âm 54,420 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư lại biến động không ngừng, cụ thể năm 2019 - 2020 với những con số dương lần lượt là 24,464 tỷ đồng; 91,216 tỷ đồng; nhưng đến năm 2021 lại âm 16,471 tỷ đồng.
Với doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh có lợi nhuận là một trong những ưu tiên được đặt lên hàng đầu. Doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, hoàn thành vượt kế hoạch luôn mang tính tích cực và tạo tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều đó chưa đủ để đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp nếu bỏ qua yếu tố dòng tiền - một tiêu chí ít được doanh nghiệp đề cập ngay cả khi lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh.
Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.
Thăng Hoàng
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cong-ty-cong-chanh-bai-2-nhung-an-so-ve-tai-chinh-giua-doanh-thu-va-loi-nhuan-a583965.html