Đổ xô đi rút BHXH một lần: Hệ lụy khi tuổi già không có lương

Theo các chuyên gia, để ngăn chặn tình trạng rút BHXH 1 lần, chính sách cần phải khuyến khích được người lao động tiếp tục tham gia đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Nỗi buồn “của để dành”

Tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần tuy không mới nhưng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát. Đáng chú ý, những tháng cuối năm do ảnh hưởng của lạm phát, biến động kinh tế bởi các xung đột trên thế giới, nhiều doanh nghiệp trong nước đã cạn đơn hàng, buộc phải cho người lao động nghỉ việc.

Theo ghi nhận, những ngày qua, một số trụ sở bảo hiểm xã hội trên địa bàn Tp.HCM luôn trong tình trạng quá tải người đến rút bảo hiểm xã hội một lần. Nhiều người lao động xếp hàng từ nửa đêm để chờ lấy số thứ tự. Mỗi người đến đây mang theo một câu chuyện, một hoàn cảnh riêng.

Nhiều người lao động trong "làn sóng" rút bảo hiểm xã hội một lần hiện nay cho biết lý do họ rút "của để dành" là vì mất việc làm sau đại dịch, kinh tế gia đình khó khăn và những khoản tiết kiệm ít ỏi không đủ giúp họ cầm cự. Không ít người nhận tiền mà lòng xót xa. Cực chẳng đã họ phải làm vậy, dù biết rằng số tiền khoảng hơn trăm triệu đồng mang về chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi, rồi khi về già không biết sẽ nương vào đâu.

Toàn cảnh - Đổ xô đi rút BHXH một lần: Hệ lụy khi tuổi già không có lương

Rút bảo hiểm xã hội một lần, hệ lụy khi tuổi già không có lương hưu (Ảnh minh họa).

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tuổi của lao động rút bảo hiểm xã hội một lần ngày càng trẻ, phổ biến ở độ tuổi dưới 40 và hầu hết ở khu vực tư nhân. Trong giai đoạn 2016-2021, đã có hơn 4,59 triệu người hưởng bảo hiểm xã hội một lần, trung bình cứ hai người tham gia bảo hiểm xã hội có một người rút một lần và năm sau luôn cao hơn năm trước. Đáng lưu ý là có tới 97% người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng bảo hiểm xã hội.

Như vậy đối tượng rút bảo hiểm xã hội một lần chủ yếu rơi vào nhóm công nhân với thu nhập thấp, không có tích lũy, nên khi mất việc thì đối mặt nhiều khó khăn về kinh tế. Khi đứng trước lựa chọn phải chất thêm gánh nặng vay mượn để lo cuộc sống và nhận bảo hiểm xã hội một lần, người lao động đành chọn phương án thứ hai.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nhận định, với tình trạng thiếu đơn hàng, sản xuất tiếp tục khó khăn, từ nay đến giữa năm 2023 làn sóng rút bảo hiểm xã hội một lần có thể gia tăng. Hiện ngoài 42.000 công nhân mất việc, còn có hơn 500.000 người thiếu việc làm tại 1.500 doanh nghiệp trên cả nước.

Trước tình thế này, việc lựa chọn rút bảo hiểm xã hội một lần với người lao động được xem như giải pháp tình thế để giải quyết cho những khó khăn, chi phí sinh hoạt trước mắt. Đây được coi là thách thức lớn trong quá trình hoàn thiện chính sách cũng như tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội vì hiện nay nước ta mới có gần 34% người tham gia bảo hiểm xã hội. Nếu người rút bảo hiểm xã hội nhiều hơn số người đóng sẽ ảnh hưởng đến quỹ hưu trí về sau.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, theo quy định, người lao động sau một năm nghỉ việc mà không tìm được việc làm mới, không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội thì đủ điều kiện rút một lần, xong về già không có lương hưu. Việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần chiếm tỉ lệ cao không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động mà còn tác động chung đến chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Ông Quảng cho rằng, để hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần phải có nhiều giải pháp, trong đó tổng thể quan trọng nhất là phải đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định, bền vững cho người lao động. “Thực tế, qua theo dõi những người rút bảo hiểm xã hội một lần thường có nơi làm việc không tốt, thu nhập không thực sự ổn định, không có tích lũy, nên khi gặp khó khăn họ rút tất. Do vậy, tạo việc làm, thu nhập ổn định rất quan trọng”, ông Quảng nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, để tạo việc làm, đảm bảo thu nhập cho người lao động thì phải duy trì hoạt động sản xuất ổn định.

Theo ông Huân, hiện nhiều doanh nghiệp duy trì sản xuất đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động, không có tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần. Do vậy, về mặt vĩ mô, nhà nước cần tiếp tục mở rộng thị trường thông qua việc tăng cường các hiệp định thương mại để đưa hàng hoá ra nước ngoài. Thông qua đó, kết nối tạo việc làm cho doanh nghiệp, người lao động. Đặc biệt, nếu tham gia tốt hơn chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tạo việc làm nhiều hơn, mặt bằng thu nhập của người lao động tăng lên, khi đó tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ giảm.

Cũng theo ông Phạm Minh Huân, ngoài giải pháp trước mắt tạo việc làm, thu nhập ổn định, về lâu dài chính sách Nhà nước phải hướng tới khuyến khích người lao động khi không làm việc có thể tiếp tục thuận tiện đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, để đủ thời gian hưởng lương hưu. Đồng thời, chính sách phải hướng tới tạo điều kiện cho lao động mất việc được nhận mức trợ cấp thất nghiệp cao hơn để có đủ điều kiện tìm việc làm mới. 

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho rằng, số người rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng lên là điều đáng báo động cho cơ quan quản lý nhà nước.

 “Từ khi Quốc hội có Nghị quyết 93 (năm 2015) về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động thì trung bình mỗi năm có từ 700.000 đến 800.000 người rút bảo hiểm xã hội một lần. Số người rút bảo hiểm xã hội một lần hiện nay gần bằng số người mới tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, số người rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng lên. Cụ thể, trong năm 2022, dự kiến số người rút bảo hiểm xã hội một lần khoảng 895.000 người. Số người rút bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng lên như vậy là điều đáng báo động cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Toàn cảnh - Đổ xô đi rút BHXH một lần: Hệ lụy khi tuổi già không có lương (Hình 2).

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội.

Nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên là do những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh trong và sau đại dịch Covid-19 đã tác động đến thu nhập của người lao động. Cực chẳng đã nên người lao động mới rút bảo hiểm xã hội một lần mà không tính đến thiệt thòi trước mắt cũng như lâu dài.

Ngoài ra, việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần cũng một phần là do họ lo quỹ này không cân đối được, không bảo toàn được nên sợ bị mất. Như vậy, có thể thấy rằng người dân chưa hiểu hết quỹ Bảo hiểm xã hội rất an toàn, được nhà nước bảo trợ, hỗ trợ để đảm bảo đời sống cho người về hưu. Nhờ đó mà những người về hưu vẫn được điều chỉnh lương hưu và dự kiến đến 1/7/2023 sẽ tăng 12,5%.

Khi không tham gia bảo hiểm xã hội, trong ngắn hạn, người lao động sẽ không được thanh toán các quỹ giảm thiểu rủi ro như ốm đau, thai sản và bệnh nghề nghiệp. Về lâu dài, khi hết tuổi lao động, người đã rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ không có lương hưu. Những trường hợp này phải chờ đến 80 tuổi mới được trợ cấp hưu trí xã hội với mức 360.000 đồng/tháng như hiện nay.

Giảm năm đóng, người lao động rút sổ một lần sẽ giảm dần

Theo các chuyên gia, người rút bảo hiểm xã hội chỉ thấy cái trước mắt mà không thấy cái lâu dài. Đáng tiếc là những người nghiên cứu và làm chính sách cùng các cơ quan thông tin tuyên truyền đã không giải thích để người dân hiểu giá trị bảo vệ của bảo hiểm xã hội. Quan trọng phải giải thích cho người lao động hiểu, quỹ này Nhà nước bảo hộ, khi không may có vấn đề gì xảy ra Nhà nước sẽ phải "bơm" tiền từ quỹ phúc lợi xã hội, an sinh xã hội để chăm lo cho người dân.

Ông Lê Đình Quảng đề xuất, chính sách bảo hiểm xã hội phải hướng tới tiếp tục sửa đổi theo hướng tạo sự hấp dẫn, linh hoạt, tăng cường lợi ích của người lao động tham gia lâu dài.

Theo đó, cùng với việc tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ việc rút bảo hiểm xã hội một lần “lợi trước mắt, thiệt lâu dài” thì chính sách cần phải hướng tới giảm thời gian đóng để được hưởng lương hưu. Chẳng hạn, có thể giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm hoặc thậm chí thấp hơn.

Đặc biệt, khi giảm thời gian đóng, mức lương hưu ít nhất phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Do vậy khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội, cần phải điều chỉnh theo hướng chia sẻ chế độ hưu trí, điều chỉnh theo hướng người hưởng lương thấp có tỉ lệ điều chỉnh cao hơn để lương hưu ít nhất phải đảm bảo mức sống tối thiểu.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, trong các báo cáo hàng năm, Ủy ban Xã hội đã thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện các chế độ bảo hiểm xã hội và quản lý, sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội, trong đó đều có nội dung về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần. Năm 2022, Ủy ban đã có giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trong giai đoạn 2016 - 2021.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, số lượng người hưởng bảo hiểm xã hội một lần có tăng cao so với trước vì nhiều nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên chưa có giải pháp hữu hiệu để xử lý. Vấn đề này cần được quan tâm hơn nữa khi xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội trong thời gian tới.

Ông Bùi Sỹ Lợi đánh giá, vệc rút bảo hiểm xã hội một lần là quyền của người lao động được pháp luật quy định, nhưng chúng ta phải tuyên truyền cho họ thấy những thiệt thòi trước mắt cũng như lâu dài. Thực tế, việc người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần là do họ chưa yên tâm vào quỹ Bảo hiểm xã hội. Do vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải giải thích cho người lao động thấy rằng đây là của để dành và được nhà nước bảo hộ, giúp người lao động ổn định cuộc sống khi về già.

Theo vị chuyên gia này, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống tối thiểu 15 năm là thực hiện theo quy định trong Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Chính sách linh hoạt như vậy với mục tiêu bảo hiểm xã hội bao phủ toàn diện lực lượng lao động. Qua đó, những người gần 50 tuổi cũng có thể đóng bảo hiểm xã hội và được hưởng lương hưu khi về già.

Với chính sách linh hoạt như vậy, chắc chắn số người rút bảo hiểm xã hội một lần cũng sẽ giảm dần. Bởi số năm đóng bảo hiểm xã hội ngắn thì nhiều người có thể cố gắng đóng cho đủ thời gian theo quy định. Sau khi đóng đủ 15 năm, nhiều người gặp khó khăn có thể chốt sổ bảo hiểm xã hội đợi đến tuổi được nhận lương hưu”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng: “Trong cấu trúc an sinh 4 trụ cột, bảo hiểm xã hội là trụ cột thứ 2, sau trụ cột thứ nhất là việc làm và thu nhập ổn định.

Trong và sau đại dịch Covid-19 lao động khó khăn nên nhiều người đã rút bảo hiểm xã hội một lần để chi tiêu, chăm lo cho cuộc sống bản thân và gia đình. Việc rút bảo hiểm xã hội có lợi trước mắt, nhưng hại về lâu dài. Bởi rút một lần, không đóng tiếp khi hết tuổi lao động sẽ không có lương hưu. Người không có bảo hiểm hưu trí, hết tuổi lao động phải chờ đến khi 80 tuổi mới được trợ cấp 360.000 đồng thì sẽ rất khó khăn, những người không có tích cóp thì làm sao sống nổi”.

Minh Vy (T/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/do-xo-di-rut-bhxh-mot-lan-he-luy-khi-tuoi-gia-khong-co-luong-a584995.html