Vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp sâu 35m: Tiên lượng sức khỏe của nạn nhân
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho hay, phương pháp cứu hộ hiện nay là làm giảm áp lực, ma sát để cẩu trụ bê tông lên rồi cứu hộ bước 2.
Hiện tại lực lượng cứu hộ có trên 200 người đang nỗ lực ngày đêm để cứu cháu bé.
Về trình trạng cháu bé, ông Bửu cho hay đang tập trung vào công tác cứu hộ để nhanh chóng đưa trụ bê tông lên khỏi mặt đất; chưa thăm dò trong lòng ống. Địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án hỗ trợ cho cháu bé và gia đình.
"Đây là tình huống em bé rơi trong lòng ống hẹp ở độ sâu dự kiến khoảng 35m. Với độ sâu như vậy em bé có thể bị đa chấn thương. Sẽ không đảm bảo thông khí. Trong điều kiện lạnh mà không được ăn uống thì tiên lượng rất xấu.
Địa phương cũng có phương án cấp cứu tại hiện trường. Mức độ xấu hơn thì cũng đã có phương án để khi cứu hộ, chúng ta sẵn sàn phương án hỗ trợ cho bé, hỗ trợ gia đình tốt nhất", ông Đoàn Tấn Bửu thông tin trên VTC News.
Ngành chức năng đang tập trung cho công tác cứu hộ. (Ảnh: VOV)
Theo PLO, tại hiện trường, bên cạnh các máy khoan đang hoạt động hết công suất, lực lượng cứu hộ cũng đang sử dụng camera để dò tìm vị trí cháu bé trong trụ bê tông, nhưng không thấy cháu bé, mà chỉ thấy lớp đất phủ phía trên.
Trước đó, ngay sau khi nhận được tin cháu bé gặp nạn, đội cứu hộ đã huy động lực lượng gần 100 người cùng ba máy xúc, một xe cẩu được huy động đến, triển khai nhiều phương án giải cứu. Đồng thời, lực lượng cứu hộ vẫn truyền oxy và truyền nước xuống nhưng chưa thấy nạn nhân dùng đến nước. Các lực lượng vẫn tiếp tục tăng cường bình oxy, xe cứu thương cũng được đưa đến hiện trường, túc trực sẵn sàng tiếp cứu khi cháu bé được đưa lên.
Tuy nhiên, đến hiện tại lực lượng chức năng cho biết việc giải cứu đang gặp không ít khó khăn do có mưa. Hơn nữa trong quá trình thực hiện khoan nhồi, trụ bê tông hơi lệch nên việc khoan tạo lỗ không làm gấp được như dự tính. Việc bơm oxy vào trong trụ bê tông vẫn được thực hiện liên tục.
Trước đó, khoảng 11h30, ngày 31/12, bé Thái Lý Hào Nam (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi) để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m).
Các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành. Khoảng 30 phút sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng cứu hộ có mặt, triển khai nhiều phương án để cứu bé trai. Sau đó, chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã huy động hàng trăm người tham gia cứu hộ.
3 ngày nghỉ Tết Dương, gần 22 nghìn tài xế ngậm ngùi nộp phạt 37,5 tỷ đồng
Chiều 2/1, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023 (31/12/2022-2/1/2023), 83 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên cả nước làm chết 50 người và 51 nạn nhân bị thương.
So với 3 ngày đầu năm 2022, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch năm 2023 tăng 19 vụ, tăng 12 người chết, tăng 16 người bị thương. So với 3 ngày đầu năm 2019 (thời điểm trước dịch bệnh Covid-19), giảm 23 vụ, giảm 34 người chết, tăng 12 người bị thương.
CSGT tạm giữ 6.540 phương tiện và tước 3.603 bằng lái xe các loại trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch 2023
Trong kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2023, đường bộ xảy ra 82 vụ TNGT, làm chết 49 người, bị thương 51 người. So với 3 ngày đầu năm 2022, tăng 19 vụ, tăng 12 người chết, tăng 16 người bị thương; so với 3 ngày đầu năm 2019 (thời điểm trước dịch bệnh Covid-19), giảm 21 vụ, giảm 32 người chết, tăng 13 người bị thương.
Đường sắt xảy ra 1 vụ tại nạn, làm chết 1 người. So với 3 ngày đầu năm 2022 không tăng, không giảm; so với 03 ngày đầu năm 2019 (thời điểm trước dịch bệnh Covid-19), giảm 02 vụ, giảm 1 người chết, giảm 1 người bị thương.
Đường thủy không xảy ra tai nạn.
Cùng thời điểm trên, lực lượng CSGT cả nước đã xử lý 21.872 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 37,5 tỷ đồng, tạm giữ 6.540 phương tiện và tước 3.603 bằng lái xe các loại.
Đáng chú ý, có gần 4.300 lái xe vi phạm nồng độ cồn, 14 trường hợp dương tính ma túy và gần 3.400 tài xế vi phạm về tốc độ đã bị xử phạt. Đây được đánh giá là các vi phạm nguy hiểm, nguy cơ cao dẫn đến tai nạn.
Trên tuyến cao tốc, lực lượng thuộc Cục CSGT đã lập biên bản 183 trường hợp vi phạm, phạt tiền gần 750 triệu đồng, tước 83 bằng lái và tạm giữ 8 phương tiện. Ngoài ra, có 367 trường hợp bị phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát.
Thủ tướng chỉ đạo 4 Bộ hỗ trợ cứu cháu bé rơi xuống ống cọc bê tông
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện chỉ đạo các cơ quan tập trung cứu nạn, khắc phục hậu quả sự cố tại công trường dự án cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp).
Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng khẩn trương hỗ trợ tỉnh Đồng Tháp trong việc cứu cháu bé 10 tuổi rơi xuống cọc bê tông
Theo đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ tịch UBND Đồng Tháp chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp với Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huy động lực lượng, phương tiện cần thiết để tập trung cứu nạn kịp thời, bảo đảm yêu cầu nhanh nhất, hiệu quả nhất; kịp thời thăm hỏi, động viên gia đình người bị nạn.
Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ GTVT, Bộ Xây dựng phải khẩn trương huy động chuyên gia và chỉ đạo lực lượng có kinh nghiệm ứng phó sự cố để hỗ trợ địa phương triển khai công tác cứu nạn theo đề nghị của Chủ tịch UBND Đồng Tháp.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Công an, Bộ GTVT, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn trong hoạt động xây dựng tại công trình cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Để phòng ngừa sự cố, tai nạn trong tương lai, Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Xây dựng, GTVT, Chủ tịch UBND các tỉnh thành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong quá trình thi công công trình, dự án, không để xảy ra sự cố, tai nạn tương tự.
Trước đó, trưa 31/12/2022, tại công trường thi công dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, bé Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) đã bị rơi xuống và mắc kẹt trong ống cọc bê tông đóng sâu dưới lòng đất.
Ngay sau khi tai nạn xảy ra, các lực lượng tại chỗ đã tích cực triển khai công tác cứu nạn. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã trực tiếp có mặt tại hiện trường để chỉ đạo triển khai công tác cứu nạn. Tuy nhiên, đến nay, công tác cứu nạn vẫn gặp khó khăn.
Dịch COVID-19 hôm nay: Số mắc tiếp tục giảm
Về tình hình dịch COVID-19 hôm nay, Bộ Y tế cho biết từ 16 giờ ngày 1-1 đến 16 giờ ngày 2-1, cả nước ghi nhận 52 ca mắc, giảm 1 ca so với ngày hôm qua.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 11.525.336 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.472 ca nhiễm).
Trong ngày, cả nước có thêm 3 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 10.611.325 ca. Số bệnh nhân đang thở ôxy là 12 ca.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Ngày 1-1 có 1.207 liều vắc-xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 265.518.865 liều, trong đó:
Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.219.335 liều: Mũi 1 là 71.080.937 liều; Mũi 2 là 68.692.111 liều; Mũi bổ sung là 14.492.826 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 51.670.652 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 17.282.809 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.861.779 liều: Mũi 1 là 9.127.071 liều; Mũi 2 là 8.955.907 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 5.778.801 liều.
Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.437.751 liều: Mũi 1 là 10.242.144 liều; Mũi 2 là 8.195.607 liều.
Tìm người thân cho bé gái nói đi lạc từ Bình Dương lên TP HCM
Chiều 2-1, thông tin từ Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cho biết Đội CSGT Nam Sài Gòn vừa bàn giao một bé gái khoảng 9 tuổi cho Công an phường Tân Phong, quận 7 để liên lạc với gia đình cháu bé.
Trưa cùng ngày, khi đang thực hiện nhiệm vụ tại giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, tổ tuần tra kiểm soát của Đội CSGT Nam Sài Gòn phát hiện bé gái đứng khóc trên đường với nét mặt sợ hãi.
Hình ảnh cháu bé nói mình tên Như, đi lạc từ Bình Dương lên TP HCM.
Lúc này, thiếu tá Trang Ngọc Hiếu và đại uý Trần Hoài Nam đã tiếp cận, nắm bắt tình hình. Ban đầu, cháu bé cho biết tên Như, ngụ ở tình Bình Dương, đang bị lạc gia đình và không nhớ đường về.
Do cháu bé không nhớ được địa chỉ nhà nên tổ tuần tra kiểm soát đã đưa cháu bé về trụ sở Công an phường Tân Phong để phối hợp liên hệ với gia đình.
H.A