Giữ ổn định tỉ giá để kiểm soát lạm phát
Chia sẻ tại Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2022 và dự báo 2023 sáng 4/1, PGS.TS Nguyễn Vũ Việt - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho biết, kinh tế thế giới năm 2022 đã diễn ra với nhiều sự kiện bất ngờ, trong đó xung đột Nga - Ukraine đã khiến cho giá các loại hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành đã kịp thời ban hành nhiều giải pháp về tài khóa, tiền tệ, cũng như kiểm soát giá cả nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng.
Kết quả, năm 2022 Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép: GDP năm 2022 ước tăng 8,02% so với năm 2021, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022; lạm phát bình quân năm 2022 chỉ ở mức 3,15% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% được Quốc hội giao.
Mặc dù vậy, ông Việt cho rằng, các thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn còn rất lớn. Tình hình lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất tại các nước phát triển được dự báo sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ít nhất trong tương lai gần. Trong khi đó, xác suất xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu ngày càng gia tăng cùng với chính sách tiền tệ thắt chặt tại Mỹ và châu Âu.
Dự báo lạm phát năm 2023, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính nhận định: “Về tổng thể, có thể nhận định rằng áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 sẽ không quá lớn”.
Theo đó, ông Độ phân tích, trước áp lực lạm phát cơ bản gia tăng bền vững từ giữa năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng trong nửa sau năm 2022. Theo đó, mức cung tiền gần như không tăng trong nửa sau của năm 2022.
Áp lực về tỉ giá cũng đã giảm đáng kể từ cuối năm 2022. Ở thị trường trong nước giá USD cũng đã giảm mạnh trong tháng 12/2022. Theo TS Nguyễn Đức Độ, nếu xu hướng giảm giá của đồng USD tiếp tục được duy trì, tỉ giá USD/VND trong năm 2023 sẽ được giữ ổn định để kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Dưới áp lực lạm phát được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới, TS Nguyễn Đức Độ dự báo tốc độ tăng CPI trung bình hàng tháng trong năm 2023 sẽ giảm đáng kể so với năm 2022.
Phải ổn định kinh tế vĩ mô
Trước phân tích của ông Độ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2023 sẽ không dễ dàng, cảnh báo này xuất phát từ khó khăn, thách thức của nền kinh tế. Do là nền kinh tế có độ mở cao, liên hệ nhiều với kinh tế thế giới nên những biến động bên ngoài đều có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam và đến lạm phát, năm 2023 bối cảnh khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.
Ông Long cũng chỉ ra những khó khăn từ nội tại của nền kinh tế. Cụ thể, lạm phát Việt Nam còn tăng do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022. Năm 2023 lương cơ bản tăng, thời điểm phải chấp nhận tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý (giá điện, y tế, giáo dục...).
Song song với đó, áp lực lãi suất, tỉ giá tăng vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô; thu ngân sách cũng sẽ khó khăn do doanh nghiệp còn gặp khó; những chính sách, giải pháp lành mạnh hóa thị trường chứng khoán và bất động sản ít nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường và nhà đầu tư. Vấn đề pháp lý, nguồn vốn, thị trường và lao động cho doanh nghiệp cũng cần thời gian để giải quyết..
Từ đó, chuyên gia Long nhận định nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt sức ép lạm phát cao, tỉ giá, lãi suất tăng cao; giá nhiều yếu tố đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh biến động mạnh, tiếp tục ở mức cao; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống có thể bị thu hẹp...
Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% như chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh khuyến nghị cần tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỉ lệ lạm phát.
Ông cho rằng cần tiếp tục giữ vững ổn định giá trị VND, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỉ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số CPI.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-ap-luc-lam-phat-cua-viet-nam-nam-2023-se-khong-qua-lon-a585206.html