Hơn 70 năm trước, nghề thổi thuỷ tinh đã có mặt tại thôn Xối Trì (xã Nam Thanh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định).
Để tạo ra những đồ dùng bằng thủy tinh, cần trải qua nhiều công đoạn như: Chọn nguyên liệu, các mảnh thủy tinh phải đảm bảo không bám bẩn, được phân loại theo màu khác nhau.
Thủy tinh được lựa chọn kỹ càng.
Nồi nấu thủy tinh đòi hỏi kỹ thuật cao, hiện những người còn giữ nghề thổi thuỷ tinh tại thôn Xối Trì thường nhập nguyên liệu đất sét ở làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội). Đất sau khi đem về được nghiền thành bột trộn cùng với sạn chịu nhiệt theo tỉ lệ “sạn 2 đất 1” rồi đổ nước ủ từ 15 - 20 ngày.
Sau khi phần đất và sạn chịu nhiệt quyện chặt vào nhau là đến công đoạn “nện đất” để làm đáy nồi. Trung bình mỗi chiếc nồi nấu thủy tinh cao hơn 1m, rộng 80cm, đáy dày 10cm. Mỗi chiếc nồi khi được đắp xong sẽ được phơi từ 20 ngày đến 1 tháng mới có thể sử dụng.
Một mẻ thủy tinh được nấu 6 - 7 tiếng, khi nhiệt độ đạt mức cực đại (khoảng 1.800 độ C) thì tan chảy.
Thợ thổi thủy tinh cầm ống sắt lấy thủy tinh và bắt đầu thổi theo những khuôn hình chai, lọ, bóng đèn, cốc uống nước… có sẵn.
Bằng mắt, họ phải ước lượng lấy đủ số thủy tinh phù hợp để thổi sản phẩm cần làm; sau đó điều tiết hơi thở với nhịp ngắn, dài để thành hình sản phẩm.
Có thể thấy, ngoài sức khỏe, những người thợ lành nghề có kinh nghiệm còn phải có những thủ thuật để giữ cho hơi thở đều, vừa phải.
Trước đây, trong thôn còn có nhiều hộ gia đình cùng làm nghề nghề nấu, thổi thủy tinh. Tuy nhiên, nghề này đang dần bị mai một vì giá thành, sự vất vả…
Hiện, trong thôn chỉ còn 3 hộ theo nghề này.
Những người thợ làm thủ công ở thôn Xối Trì thường làm theo đơn đặt hàng nên không cố định về sản phẩm, mặt hàng chủ yếu là cốc chén, lọ hoa, bóng đèn, coóng chim…