Nghiên cứu mới của Viện Y tế Quốc gia Mỹ được công bố hôm 2/1 trên tạp chí y khoa eBioMedicine cho thấy những người uống đủ nước có thể ít có dấu hiệu lão hóa và ít mắc bệnh mạn tính, từ đó sống thọ hơn.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu sức khỏe của 11.255 người ở độ tuổi 40 - 50 khi bắt đầu nghiên cứu, được theo dõi trong 30 năm, khi đánh giá kết quả, độ tuổi trung bình của họ đã là 76 tuổi.
Nghiên cứu đặc biệt xem xét thói quen uống nước của những người tham gia thông qua lượng natri trong máu của họ. Thông thường, càng uống nhiều nước, lượng natri trong máu càng thấp.
Xét nghiệm natri thường được thực hiện như một phần của xét nghiệm máu định kỳ hằng năm và phạm vi là từ 135 đến 146 mmol/L.
Kết quả đã phát hiện những người có mức natri trong máu cao hơn 142 milimol/L (dấu hiệu cho thấy uống không đủ nước), đã “già” hơn đến 50% so với tuổi thực. Đồng thời, họ cũng có nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như suy tim, đột quỵ, rung tâm nhĩ, bệnh động mạch ngoại vi, bệnh phổi mạn tính, tiểu đường và chứng mất trí cao hơn 64%, so với người có mức natri từ 137 - 142 mmol/L.
"Người có natri huyết thanh ở độ tuổi trung niên vượt quá 142 mmol/l nguy cơ tử vong cao hơn về mặt sinh học, nguy cơ tử vong sớm tăng 20%", nghiên cứu kết luận.
Đặc biệt, những người có mức natri rất cao - hơn 144 milimol/L (dấu hiệu cho thấy thiếu nước trầm trọng), đã tăng 21% nguy cơ tử vong sớm, so với những người có mức natri từ 137 - 142 mmol/L.
Theo tiến sĩ Natalia Dmitrieva, Viện Tim, Phổi và Máu - Viện Y tế Quốc gia, tác giả chính của nghiên cứu, nguy cơ phát triển các bệnh gây tử vong như suy tim, đột quỵ, tiểu đường,.... tăng lên khi con người già đi, tích lũy tổn thương ở các mô khác nhau trong cơ thể. Các nghiên cứu trước đây cũng phát hiện thiếu nước có thể làm tăng nguy cơ suy tim.
Các nhà nghiên cứu cho biết, mức natri trong máu tối ưu để giảm nguy cơ mắc bệnh mạn tính và tử vong sớm là từ 138 đến 142 milimol. Những người có mức natri trong máu từ 142 trở lên, nếu uống đủ nước sẽ đạt được nhiều lợi ích nhất.
Bộ Nông nghiệp Mỹ khuyến nghị uống từ 8 đến 10 ly nước mỗi ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2020 trên 2.000 người trưởng thành cho thấy chỉ 20% đạt được mục tiêu đó. Khi con người già đi, phản ứng khát nước yếu hơn, họ ít khả năng nhận ra mình đang thiếu nước.
Có một số cách hay để đánh giá xem một người có thể không uống đủ nước hay không. Theo Trung tâm chăm sóc sức khỏe Kaiser Permanente (Mỹ), nước tiểu có màu sẫm hơn hoặc tần suất giảm rõ rệt có thể là dấu hiệu cần phải uống thêm nước. Ngoài ra, hơi thở có mùi, khô miệng, mệt mỏi và thèm ngọt cũng là các dấu hiệu nhắc nhở phải uống thêm nước.
Triệu chứng thiếu nước nghiêm trọng là nhầm lẫn, chóng mặt. Ngất xỉu hoặc tim đập nhanh cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước, theo New York Post.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/cach-uong-nuoc-giup-lam-cham-qua-trinh-lao-hoa-keo-dai-tuoi-tho-a585561.html