Chính phủ chỉ đạo "nóng" liên quan đến thị trường bất động sản

Chính phủ dự kiến ưu tiên cơ cấu lại thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán và bất động sản trong năm 2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký, ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; Dự toán ngân sách và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.

chinh phu chi dao nong lien quan den thi truong bat dong san dspl

Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở. Ảnh minh họa

Theo đó, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến rất phức tạp khi cạnh tranh chiến lược các nước lớn, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại gay gắt hơn; xung đột quân sự tại Ukraine còn có thể kéo dài; lạm phát tiếp tục ở mức cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài tại nhiều quốc gia; nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, bất động sản, an ninh năng lượng, lương thực, thông tin trên toàn cầu gia tăng;...

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp.

Để thực hiện những mục tiêu đề ra, Chính phủ đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp với ưu tiên là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, tập trung cao độ cho ổn định, phát triển an toàn, bền vững các thị trường tiền tệ, tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; không để mất an toàn hệ thống; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, nhà đầu tư, người dân, không để bị kích động, lôi kéo, gây mất an ninh trật tự.

Rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật, tăng cường giám sát, kiểm tra, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, định chế tài chính, các thị trường tiền tệ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, bảo đảm phát triển công khai, minh bạch, an toàn, ổn định, lành mạnh, bền vững.

Đẩy mạnh xử lý nợ xấu; tập trung triển khai chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về việc cơ cấu lại, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, bảo đảm ổn định tình hình hoạt động và hỗ trợ các tổ chức tín dụng này từng bước phục hồi.

Tập trung chỉ đạo tổ chức tín dụng tăng cường minh bạch trong hoạt động, khắc phục tình trạng sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, rà soát xử lý và ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, cho vay không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tập trung xử lý 6 tổ chức tín dụng yếu kém, 8 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả đã được Bộ Chính trị cho chủ trương.

Trước đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở.

Cụ thể, theo Công điện 1164/CĐ-TTg ngày 14/12/2022 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký; Bộ trưởng Bộ Xây dựng có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, lựa chọn các chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân ở các thành phố, khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Thống đốc NHNN Việt Nam cần chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại để việc cho vay, giải ngân phải nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại với giá phù hợp.

Doanh nghiệp bất động sản cần tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán, phương thức thanh toán... phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, người dân, nhất là những đối tượng có nhu cầu thực sự và có tính khả thi...

Bạch Hiền (t/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chinh-phu-chi-dao-nong-lien-quan-den-thi-truong-bat-dong-san-a585792.html