Ở chung cư có cần cúng Giao thừa ngoài trời không?

Theo phong tục, cúng giao thừa thường phải làm hai lễ, một lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời. Vậy ở chung cư có cần cúng giao thừa ngoài trời hay không?

Nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Nguyễn Đức Hiển, Viện nghiên cứu Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam cho biết, cúng Giao thừa hay còn gọi là cúng trừ tịch có ý nghĩa đem bỏ hết đi những điều xấu của năm cũ sắp qua để đón những điều tốt đẹp của năm mới sắp đến. Lễ trừ tịch còn là lễ để “khu trừ ma quỷ”, do đó có từ “trừ tịch”.

Theo phong tục truyền thống, cúng Giao thừa thường phải làm hai lễ, một lễ cúng trong nhà và một lễ cúng ngoài trời.

Lễ cúng Giao thừa ngoài trời phải làm trước nhằm “tống cựu nghênh tân”, tức là đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ. Sau đó mới đến lễ trong nhà.

Tuy nhiên nhiều gia đình ở chung cư băn khoăn “ở nhà chung cư có cần cúng Giao thừa ngoài trời hay không”?

Về vấn đề này, chuyên gia phong thủy Linh Quang (Tư vấn đào tạo phong thủy thực hành) cho biết, theo dân gian và hoàn cảnh nơi ở của người dân xưa, đất đai vẫn còn rộng rãi, nhà ở thường gắn liền với đất chứ không có ở chung cư, do vậy thường cúng trong nhà và ra sân để cúng.

Cúng trong nhà thường là cúng Phật, Thánh, các vị Thần linh và Gia tiên. Cúng ngoài trời thường là cúng chúng sinh, cúng “Thiên”, nghĩa là cúng ông trời, cúng quan Hành Khiển là vị thần được giao nhiệm vụ trông coi nhân gian trong năm… Để thực hiện được việc cúng này thì nhà ở phải có sân, có vườn mới thực hiện được.

“Khi ở chung cư, do không gian chật hẹp không có đất có vườn nên việc cúng chỉ cần tập trung ở trong nhà mà không nhất thiết phải cúng ngoài trời. Nếu các gia đình cần cúng ngoài trời nên xuống dưới sân của nhà chung cư chứ không phải ở trên tầng.

Việc cúng ngoài trời cần có khoảng không gian có trời và có đất, do vậy lễ vật cần được đặt gần với mặt đất. Vì thế nếu cúng ở trên khoảng không tầng lầu chung cư thì không gian bày lễ cách nhau quá xa nên không thể gọi là cúng ngoài trời được.

Cũng có thể hiểu cách khác là việc cúng bái nên làm tại trên mặt đất vì bên trên có trời, ở dưới có đất, ở giữa là con người, việc cúng bái như vậy thể hiện sự hài hòa giữa thiên địa nhân nên sẽ gắn kết được thế giới tâm linh với con người tốt hơn”, chuyên gia Linh Quang giải thích.

Về lễ vật cúng Giao thừa, theo ông Linh Quang, lễ cúng giao thừa trong nhà và ngoài trời về cơ bản giống nhau, gồm đầy đủ các thứ cần thiết. Tuy nhiên tùy điều kiện từng gia đình để linh hoạt thêm bớt các lễ vật, cần sự thành tâm chứ không phải lễ vật đầy đủ.

Đồ lễ thường gồm: ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, muối gạo, chè kho, trà, rượu, quần áo mũ nón, mâm lễ mặn với gà trống luộc, thịt lợn luộc, xôi, bánh chưng...

Tới đúng thời điểm Giao thừa, gia chủ thắp đèn, hương. Nếu có chuẩn bị văn khấn trên giấy để đọc thì sau khi đọc xong đốt ngay cùng với tiền, vàng dâng cúng.

Dưới đây là 2 bài văn khấn lễ Giao thừa ngoài trời (trích trong sách Văn khấn cổ truyền của Người Việt do Nhà xuất bản Hồng Đức phát hành), độc giả có thể tham khảo:

Bài 1:

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Kính lạy:

- Đức Dương lai Hạ sinh Di Lặc Tôn Phật

- Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị Tôn thần.

- Ngài Cựu niên Đương cai Hành khiển.

- Đương niên Thiên quan năm......

- Các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Táo quân, chư vị Tôn thần.

- Nay là phút giao thừa năm......

Chúng con là: .............

Ngụ tại: .........

Phút thiêng liêng Giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới; tam dương khang thái; vạn tượng canh tân. Nay ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Thượng đế giám sát vạn dân, dưới sự bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều để khuyết, lưu phúc lưu ân.

Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung thần, dâng lên trước án, cúng dâng Phật Thánh, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con xin kính mời: Ngài Cựu niên đương cai, Ngài tân niên đương cai Thái Tuế chí đức Tôn thần; ngài bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương; ngài Bản xứ thần linh Thổ địa Phúc đức chính thần; các ngài Ngũ phương, ngũ thổ, Long mạch Tài thần; các ngài Bản gia Táo quân và chư vị thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, gia đạo hưng long thịnh vượng.
Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.

Cẩn cáo!

Bài 2:

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con kính lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Đông phương Thanh đế, Bắc phương Hắc đế, Nam phương Bạch đế, Tây phương Bạch đế.

Con kính lạy Đông trù tư mệnh Táo thủ quân, Long mạch, Thổ thần, Cập thổ chư vị Thần tài mớ bái.

Tín chủ con là:

Chồng ......... tuổi ......

Vợ ............ tuổi .......

Con trai ........ tuổi .......

Con gái ........... tuổi ........

Ngụ tại: ..........................

Lòng thành sắm lễ.

Hương đăng hoa quả.

Tiền vàng cánh sớ.

Nhân phút thiêng giao thừa đã tới.

Phút vang lừng đón buổi đầu xuân.

Cầu mong vạn tượng canh tân.

Tam dương khai thái cung trần lễ nghi.

Nguyệt tôn thần phù trì bảo hộ.

Cầu anh linh Tiên tổ lưu ân.

Ban cho con cháu hạ trần.

An ninh khang thái, muôn phần tốt tươi.

Thiều quang chiếu rọi sáng ngời.

Đầu năm chí cuối mọi người đều an.

Có được sức khỏe lâu bền.

Tu tâm tích đức để nên danh phần.

Bốn mùa thu, hạ, đông, xuân.

Lam ăn phú quý bớt phần nguy nan.

Những điều tai vạ trái ngang.

Ơn trời phụ hộ tiêu tan tức thì.

Điều lành mang đến điều dữ mang đi.

Chúng con sám hối bù trì cho con.

Một lòng theo đạo sắt son.

Sống trên dương thế con còn tu tâm.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/o-chung-cu-co-can-cung-giao-thua-ngoai-troi-khong-a585917.html