Chuyện “giờ vàng” ở nơi “không ban ơn”

Tiếng chuông điện thoại vang lên liên hồi, nữ nhân viên nhấc máy “Alo, cấp cứu 115 xin nghe... Bệnh nhân bị làm sao ạ? Tình trạng bệnh nhân ra sao anh ơi? Anh đọc lại cho em số nhà của mình là bao nhiêu để điều xe đến hỗ trợ ạ? Anh cứ bình tĩnh, đọc chậm thôi ạ…”.

Những cuộc gọi bất thường

Đường dây nóng của tổng đài trung tâm Cấp cứu 115 trung bình tiếp nhận từ 1.500 – 2.000 cuộc gọi mỗi ngày. Nhưng không phải ai cũng biết, 115 là số điện thoại của đơn vị có vai trò cấp cứu người bệnh tại hiện trường và trung chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện phù hợp, gần nhất một cách nhanh nhất, chứ không phải số điện thoại của bệnh viện hay cơ sở chăm sóc y tế nào đó.

anh-1-trung-tam-115-1674346258.jpg

Các nữ điều phối viên trung tâm Cấp cứu 115 nhận từ 1.500 – 2.000 cuộc gọi/ngày. Ảnh: Hoàng Giang.

 

Nói chính xác hơn, 115 là đơn vị cấp cứu ngoài bệnh viện, liên quan đến y tế, thảm họa, tai nạn, thiên tai… chỉ cần gọi 115, nhân viên y tế chắc chắn sẽ có mặt. Và trong quy trình cấp cứu của trung tâm Cấp cứu 115, bước đầu tiên chính là tiếp nhận các cuộc gọi từ bệnh nhân hoặc các trạm y tế địa phương. Sau khi xác định được thông tin bệnh nhân, điều phối viên sẽ điều xe cứu thương đến hiện trường để cấp cứu, rồi mới chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Hầu hết, các cuộc gọi đến đường dây nóng của trung tâm Cấp cứu 115 đều là những cuộc gọi bất thường. Gọi là bất thường bởi theo đúng nghĩa đen, phía đầu dây bên kia đang có tình huống nguy cấp về sức khỏe và cần đến đơn sự hỗ trợ của lực lượng y tế. Do đó, tiếp nhận thông tin qua điện thoại là việc quan trọng đầu tiên trong cấp cứu bệnh nhân. Các nhân viên điều phối cần nhanh chóng tư vấn, hướng dẫn cho người dân cách sơ cứu giữ an toàn trong khi chờ xe cứu thương đến.

Mỗi cuộc gọi đều là những trường hợp cấp bách khác nhau, đó là những áp lực dồn lên đôi tai của các điều phối viên tại trung tâm Cấp cứu 115. Không chỉ liên tục thúc giục khi chưa có xe cứu thương, người nhà bệnh nhân đôi khi còn dùng những lời lẽ cọc cằn, khó nghe đối với nhân viên điều phối. Thế nhưng với tính chất công việc đòi hỏi sự bình tĩnh, những điều phối viên hiểu và cảm thông với tâm lý của người nhà bệnh nhân.

“Rất nhiều trường hợp khi gọi 115 chưa kịp đến, họ gọi lại giục liên tục, thậm chí còn mắng chửi bọn mình. Nhưng mình là nhân viên y tế mà, chúng mình hiểu tâm lý lo lắng của người nhà bệnh nhân. Những lúc như vậy, điều họ cần chính là những lời an ủi, trấn tĩnh”, nữ nhân viên điều phối chia sẻ.

Với những nhân viên tại phòng điều phối cấp cứu, điều khiến họ cảm thấy khó chịu nhất không phải 2.000 cuộc gọi những ngày cao điểm, không phải những lời lẽ cọc cằn từ người nhà bệnh nhân, mà là những cuộc gọi bất thường gắn mác: rảnh rỗi, trêu đùa.

anh-2-trung-tam-115-1674346258.jpg

Ngoài những cuộc gọi cấp cứu, còn có hàng trăm cuộc gọi trêu đùa, quấy nhiễu. Ảnh: Hoàng Giang.

 

“Có thể các bạn không tin, nhưng hàng ngày chúng mình nhận được vô số những cuộc gọi cấp cứu chảy máu do… xước chân, xước tay. Rồi là những cuộc gọi với nội dung gọi nhầm do con trẻ bấm; nhờ các bác sĩ dọa cho cháu nhỏ ăn cơm; em gọi thử máy một chút bác sĩ ạ… Chúng mình cũng giận chứ, nhưng lo nhiều hơn, lo những người cần cấp cứu thật sự lại chẳng gọi được vì đường dây nóng bị bận vì những người quấy nhiễu”.

Điển hình có trường hợp gọi trêu trong suốt… 3 năm liền. Trung tâm Cấp cứu 115 đã phối hợp với lực lượng công an để tìm đến nhà của người trêu, thế nhưng khi đến nơi phát hiện đối tượng là bệnh nhân mắc bệnh lý về tâm thần. Chẳng thể xử lý dứt điểm, nhân viên điều phối cấp cứu buộc phải chấp nhận thực tế là trung tâm Cấp cứu 115 có thêm một “khách quen”. 

Thầm lặng chịu vất vả vì yêu nghề

Trung tâm Cấp cứu 115 hiện có 14 xe cứu thương trực luân phiên 24 tiếng và nghỉ 48 tiếng. Có 7 trạm cấp cứu nhưng chủ yếu chỉ đáp ứng được ở các quận nội thành và một số quận ngoại thành như Hà Đông, cầu Nhật Tân… Khó khăn lớn nhất hiện tại với 115 chính là nhân lực. Trung tâm không đủ nhân lực để triển khai, mở rộng thêm các trạm, đưa những chiếc xe cấp cứu đến gần người dân hơn.

Dù gặp nhiều khó khăn, cũng có lúc áp lực muốn từ bỏ công việc nhưng hầu hết các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tại trung tâm Cấp cứu 115 vẫn tiếp tục gắn bó với công việc ở đây và tâm niệm đó là mối duyên nghề.

 “Bởi có nhiều trường hợp cấp cứu, khi bệnh nhân được hồi sinh, nhìn vào ánh mắt hạnh phúc của người nhà bệnh nhân, phần nào giúp chúng tôi như quên đi những áp lực của công việc”, bác sĩ Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc trung tâm Cấp cứu 115 chia sẻ.

anh-3-trung-tam-115-1674346258.jpg

Bác sĩ Trần Anh Thắng – Phó Giám đốc trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội. Ảnh: Hoàng Giang.

 

Gần 20 năm trong nghề, bác sĩ Trần Anh Thắng cho biết thời gian cấp cứu là yếu tố sống còn đối với bệnh nhân. Do đó, chỉ sau 1-3 phút khi nhận cuộc gọi, đội ngũ nhân viên 115 đã phải lên xe di chuyển đến hiện trường. Bởi đã xác định làm 115 là phải như thế, phải tâm niệm rằng đi cấp cứu là vì bệnh nhân chứ không phải ban ơn.

Trong nhiều trường hợp, đặc biệt là cấp cứu ngừng tuần hoàn luôn là áp lực đối với các bác sĩ tại trung tâm. Bởi khi trái tim đã ngừng đập, mỗi phút trôi qua là cơ hội được cứu sống của bệnh nhân lại càng trở nên mong manh hơn.

Với bệnh nhân ngừng tuần hoàn phải được cấp cứu nhanh nhất có thể, để trước hết là tuần hoàn trở lại và thứ hai là giảm thiểu tối đa những biến chứng có thể xảy ra với bệnh nhân. Nếu cấp cứu ngoại viện không tốt, bệnh nhân chưa được khôi phục tái lập tuần hoàn tự nhiên, thì việc đưa đến bệnh viện gần như không còn ý nghĩa gì cả.

Cần nhấn mạnh rằng, “giờ vàng” để cấp cứu ngừng tuần hoàn chỉ kéo dài 3-5 phút, kể từ khi bệnh nhân rơi vào tình trạng này. Do đó sự phối hợp từ điều phối viên đến ê-kip cấp cứu phải thực sự nhuần nhuyễn.

Phần lớn các cuộc gọi cấp cứu đều là tai nạn giao thông, còn lại là các bệnh cấp tính nội – ngoại khoa, nhất là về hô hấp, tim mạch. Khi có sự hỗ trợ của 115, tỉ lệ tử vong của những trường hợp này giảm đi đáng kể.

Ví dụ như những bệnh nhân nhồi máu cơ tim, người thân vận chuyển không đúng cách có thể gây nguy hiểm, tử vong. Rồi các bệnh nhân bị hen phế quản, ở những khu vực nhà cao tầng, nếu bệnh nhân đi cầu thang máy, không gian hẹp sẽ rất nguy hiểm. Khi 115 có mặt, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc sau đó mới có thể sử dụng thang máy, hoặc được vận chuyển bằng cáng. Đó chính là lợi ích của việc gọi cấp cứu 115, sẽ giảm thiểu tỉ lệ tử vong, tai biến sau này.

Rồi đến những trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông thương tâm. Các bác sĩ, điều dưỡng của 115 đã phải đối mặt với rất nhiều vụ tai nạn mà nạn nhân chỉ còn 1% cơ hội sống sót. “Chưa chết là còn sống, còn sống là phải cấp cứu”, bác sĩ Thắng cho biết.

anh-4-trung-tam-115-1674319461.jpg

“Phải tâm niệm rằng đi cấp cứu là vì bệnh nhân chứ không phải ban ơn”, bác sĩ Thắng chia sẻ. Ảnh: Hoàng Giang.

 

“Có trường hợp tai nạn giao thông khiến đầu xe tải bẹp rúm, tài xế bị mắc kẹt bên trong. Chúng tôi phải trèo lên cabin, tiêm giảm đau, giảm sốc cho bệnh nhân trong khi chờ lực lượng cứu hộ 114 đến để cùng hỗ trợ đưa nạn nhân ra. Lúc đó, nạn nhân hoảng loạn cứ kêu “cứu em, cứu em” mà không thể làm gì khác ngoài trấn an họ.

Rồi có những trường hợp tai nạn giao thông do đua xe vào rạng sáng. Khi 115 đến nơi thì thấy khung cảnh rất tang thương. Các bạn trẻ chỉ từ 18 – 20 tuổi nằm trên đường, người gãy tay, người bị chấn thương sọ não, trong đó có 1 bạn nữ tử vong”.

Đó là một trong nhiều trường hợp cấp cứu mà chẳng ai muốn phải chứng kiến, nhưng với các nhân viên tại trung tâm Cấp cứu 115, họ buộc phải quen với điều đó. Mỗi chuyến xe rời khỏi trung tâm là thêm một lần họ phải rèn giũa ý chí sắt đá, thích nghi với mọi hiện trường để trung thành với mục tiêu duy nhất là cứu chữa người bị nạn.

Thậm chí với họ, Tết cũng chỉ là một ngày bình thường. Điều quan trọng nhất là “giờ vàng” chứ không phải giờ nghỉ.

Hoàng Giang – Ngọc Bảo

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-gio-vang-o-noi-khong-ban-on-a586163.html