Khám phá phong tục đón Tết đặc biệt của các nước: Trung Quốc dán chữ Phúc ngược, Philippines mặc đồ chấm bi

Ngoài Việt Nam, nhiều quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ... đều có phong tục đón Tết Nguyên đán riêng biệt và độc đáo.

Tết Nguyên đán là ngày lễ lớn nhất tại một số nước châu Á, diễn ra theo lịch Âm và trong năm 2023, Mùng 1 Tết sẽ là 22/1 Dương lịch. Hãy cùng điểm qua những phong tục độc đáo tại một số quốc gia dành cho lễ hội quan trọng nhất năm này.

Việt Nam

Ở Việt Nam, món ăn đặc trưng của Tết Nguyên đán chính là bánh chưng, bánh tét làm từ gạo nếp. Các món ăn khác gồm hành kiệu ngâm, mứt tết, thịt kho (ở miền Nam).

Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam có trang phục truyền thống được ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán là áo dài. Trẻ em và người lớn tuổi thường được nhận lì xì từ người thân trong gia đình và bạn bè.

Hầu hết các gia đình cùng nhau đi chùa để cầu may mắn, sức khỏe và tài lộc. Chúng ta có một số kiêng kỵ như trả hết nợ và dọn dẹp nhà cửa trước năm mới, không vứt bỏ bất cứ thứ gì vào đầu năm mới vì nó được coi là không may mắn.

Hàn Quốc

Tại Hàn Quốc, Tết Nguyên đán là một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng nhất, là cơ hội để tỏ lòng thành kính với tổ tiên và người lớn tuổi. Đó là lễ kỷ niệm kéo dài 3 ngày và mọi người sẽ già đi một tuổi khi bắt đầu đón Tết Nguyên đán. Trong văn hóa Hàn Quốc, tuổi quốc tế của mọi người tăng lên vào ngày sinh nhật giống như các nơi khác, nhưng tuổi Hàn Quốc sẽ tăng lên vào Mùng 1 Tết.

Mọi người sẽ mặc trang phục truyền thống gọi là hanbok, trẻ em sẽ thể hiện sự kính trọng với người lớn tuổi bằng cách cúi chào sâu gọi là "seh bae". Cũng nhân dịp này, trẻ em sẽ được nhận tiền lì xì và những lời chúc cho năm mới.

Sau lễ "seh bae", người Hàn sẽ ăn các món như mandu (bánh bao Hàn Quốc) và dduk-guk (súp bánh gạo thái mỏng). Các món ăn ngày lễ khác bao gồm mandu-guk (súp bánh bao), galbijjim (sườn bò om), japchae (miến trộn) và ddeok (bánh gạo).

Ngoài ra còn có các trò chơi truyền thống mọi người chơi trong kỳ nghỉ. Yut Nori, một trò chơi cờ chơi bằng que gỗ, là một cách thú vị để ăn mừng, và yeonnalligi (thả diều) được thực hiện để cầu may.

Trung Quốc

Ở Trung Quốc, lễ kỷ niệm tập trung vào đêm giao thừa. Các gia đình sẽ đoàn viên để ăn mừng năm mới. Mọi người mặc quần áo mới, thường là màu đỏ hoặc vàng cho may mắn.

Ở miền bắc Trung Quốc, các món ăn truyền thống trong Tết Nguyên đán được làm bằng bột mì, như bánh bao, sủi cảo, mì. Trẻ em thường sẽ tìm một đồng xu may mắn trong bánh bao. Bên cạnh đó, người Trung Quốc thường ăn bánh bao cùng cá bởi nó tượng trưng cho sự sung túc trong năm mới. Họ cũng có phong tục lì xì như Việt Nam và Hàn Quốc.

Đặc biệt, ngoài những phong tục truyền thống, người Trung Quốc còn có tục lệ dán/treo chữ "Phúc" ngược để cầu may. Được biết, theo quan niệm xưa của người Hoa, chữ "Phúc" dán ngược có nghĩa là "Phúc đảo". Đây là phép chơi chữ trong tiếng Hán, "đảo" đồng âm với "đáo", "Phúc đáo" có nghĩa là phúc đến. Phong tục này đã lưu truyền từ lâu với mong ước mọi nhà sẽ được nhận phúc lành, đại cát đại lợi trong năm mới.

Người Trung Quốc còn duy trì một số quan niệm mê tín để lấy may đầu năm, chẳng hạn như không mua giày mới, không quét dọn nhà cửa ngày đầu năm để tránh xua đi  may mắn. Cũng chính vì vậy mà họ còn kiêng cắt tóc, gội đầu vào dịp Tết.

Singapore

Với khoảng 75% dân số là người Trung Quốc, Singapore cũng đang tất bật đón Tết Nguyên đán. Du khách có thể thưởng thức đủ loại món ăn từ nian gao, bánh dứa, yusheng (một món salad cá sống).

Người Singapore cũng lì xì nhau trong dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, họ có phong tục bày tỏ lòng hiếu kính tổ tiên bằng cách đến chùa thắp nhang.

Cuộc diễu hành Chingay, diễn ra hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán, là một lễ kỷ niệm xa hoa với những xe diễu hành khổng lồ và vũ công sư tử. Lễ hội lớn nhất ở đây là River Hongbao, được tổ chức tại các địa điểm khác nhau trên khắp đất nước mỗi năm.

Malaysia

Tại Malaysia, Tết Nguyên đán được coi là dịp chào đón mùa xuân và là dịp để các gia đình quây quần bên nhau trong bữa cơm sum họp hàng năm. Kỳ nghỉ kéo dài trong 15 ngày và vào ngày cuối cùng, họ sẽ tổ chức Chap Goh Mei. 

Yee sang là món salad có thể tìm thấy ở hầu hết mọi bàn ăn, vì nó tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng. Nian gao, một loại bánh năm mới của Trung Quốc làm bằng bột gạo, cũng rất phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán tại Malaysia. Quả quýt tượng trưng cho sự may mắn và được người Malaysia trưng trong dịp này. Trẻ em và những người chưa kết hôn trong gia đình sẽ được nhận phong bao lì xì. Nhiều gia đình theo đạo Phật mời đoàn múa lân đến nhà để cầu phúc và xua đuổi tà ma.

Người Malaysia sẽ mặc sườn xám đỏ vào dịp Tết Nguyên đán. Nếu rơi vào đúng năm con giáp của mình thì người đó sẽ mặc màu vàng để may mắn hơn.

Philippines

Tết Nguyên đán tại Philippines được gọi là Media Noche, nơi các gia đình người Philippines cùng nhau tổ chức bữa tiệc lúc nửa đêm giao thừa để ăn mừng một năm thịnh vượng sắp tới. Trên bàn thường bày đầy trái cây hình tròn - một truyền thống bắt nguồn từ Trung Quốc - vì hình dạng này tượng trưng cho sự may mắn.

Món ăn thường được ăn trong dịp Tết Nguyên đán ở Philippines bao gồm các món làm từ gạo nếp, chẳng hạn như biko, bibingka và nian gao, vì nó được cho là giúp gắn kết các gia đình lại với nhau. Họ còn ăn món mì Pancit với mong cầu một cuộc sống khỏe mạnh, trường thọ và may mắn trong năm mới.

Một trong những điều mê tín độc đáo nhất trong dịp Tết Nguyên đán ở Philippines là chọn mặc đồ chấm bi, vì hình tròn của chúng tượng trưng cho sự thịnh vượng, tiền bạc và may mắn. Người Philippines sẽ đốt pháo hoa vào dịp này với quan niệm tiếng nổ của pháo sẽ xua đuổi những linh hồn xấu. Ngoài ra, họ sẽ không tiêu tiền vào ngày đầu tiên của năm mới để cầu một năm tài lộc dồi dào.

BẢO LINH

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/kham-pha-phong-tuc-don-tet-dac-biet-cua-cac-nuoc-trung-quoc-dan-chu-phuc-nguoc-philippines-mac-do-cham-bi-a586219.html