Nét văn hóa têm trầu cau cánh phượng 100 quả như 1 của người Kinh Bắc, xưa chỉ dùng đãi khách quý

Với người Việt, trầu cau không đơn thuần là một tập tục mà còn mang giá trị văn hóa truyền thống. Trầu cau xuất hiện trong đời sống thường ngày đến những dịp trọng đại như cưới hỏi, lễ Tết.

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”, câu nói trong dân gian truyền từ xa xưa đến nay về tục ăn trầu cau. Mỗi khi gặp nhau, mọi người đều mời nhau ăn trầu rồi mới nói chuyện. Hiện nay tục lệ này không còn phổ biến trong cuộc sống nhưng trầu cau vẫn là điều không thể thiếu cho những dịp quan trọng. 

Đặc biệt không chỉ ăn trầu cau thông thường, một số vùng còn têm trầu cau thành hình thù đẹp mắt, mang nét văn hóa đặc trưng đầy thú vị và giá trị.

Trầu cau là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt

Trầu cau - Lễ vật không thể thiếu trong đám cưới, thể hiện sự son sắt thuỷ chung

Đám cưới thường có rất nhiều lễ nghi, lễ vật và chắc chắn không thể thiếu trầu cau, mở đầu câu chuyện xin hỏi cưới vợ của nhà trai. Mâm lễ thời xưa đựng trong khay gỗ vài ba quả cau lá trầu, còn ngày nay tùy vào điều kiện từng gia đình mà chuẩn bị.

Mâm trâu cau là lễ vật không thể thiếu trong cưới hỏi xưa và nay

Cùng với mâm lễ, tại các đám cưới của người Việt từ xa xưa đến nay cũng đều có những đĩa trầu cau, có thể têm mộc mạc, giản dị, còn nghệ thuật hơn là những miếng trầu têm cánh phượng từ những đôi bàn tay khéo léo khiến cho miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt và để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai được cô dâu chú rể mời trầu.

Đặc biệt trong nghi lễ đám cưới của người dân tộc Mường, chú rể phải gánh trầu cau sang nhà cô dâu để làm lễ. Ngày nay khi gia đình nào có đám cưới, các cụ cao niên ngồi tỉa trầu, tỉa cau. Khéo tay thì têm hình cánh phương, cau tỉa 100 quả đều như 1.

Hình ảnh các cụ cao tuổi ngồi têm trầu cau trong đám cưới trở thành nét đẹp mang đậm chất truyền thống

Miếng trầu là phương tiện để kết nối giao duyên giữa tình yêu nam nữ, gửi gắm tình yêu, trao nhau nỗi niềm tâm sự, mong ước cuộc sống lứa đôi êm đềm, hạnh phúc.

Ngoài ra trong văn hoá tâm linh, tín ngưỡng, vào mỗi dịp lễ Tết, trong mỗi gia đình thường sẽ dâng lên bàn thờ tổ tiên hoặc trong mâm cúng quả cau, lá trầu.

Têm trầu hình cánh phượng, nét văn hoá người Kinh Bắc 

Trầu têm cánh phượng mang nét đẹp biểu trưng, đầy tự hào của người Kinh Bắc. Cũng là quả trầu, lá cau đó nhưng qua đôi bàn tay khéo léo của những người phụ nữ đất kinh kỳ, tạo thành miếng trầu có sức hấp dẫn đặc biệt.

Trầu têm hình cánh phượng mang nét đẹp biểu trưng, đầy tự hào của người Kinh Bắc

Trầu têm cánh phượng thường dùng để đãi khách quý, được têm bằng cau chũm tiễn long đào. Để têm được cách này, phải chọn là trầu quế vừa tầm để cắt tỉa cánh phượng, chọn vỏ đỏ dày để cắt trang trí phần đuôi. 

Trầu cánh phượng thường được bày trên đĩa đặt ở bàn tiệc, dùng làm vật trang trí. Mỗi đĩa trầu có thể bày từ 5 đến 10 miếng, đầu châu vào giữa, đuôi có cánh hồng ở phía ngoài, trông rất sang trọng, lịch thiệp và đẹp. 

Ngày nay trong đám cưới ở nhiều vùng quê ở miền Bắc, trầu têm cánh phượng vẫn là lễ vật không thể thiếu và phải được làm rất cầu kỳ. Trước khi tiễn quý khách ra về, chủ nhà mời mỗi người một miếng “trầu tính trầu tình”.

Cách têm trầu cau cánh phương mỗi nơi mỗi khác

Người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung, xưa kia coi việc têm trầu là một nghệ thuật. Qua cử chỉ têm trầu, ăn trầu để phán đoán phong cách, tính nết cũng như nếp sống của một con người.

Phụ nữ ngày xưa nhuộm răng và ăn trầu

Trước đây hầu hết đàn bà, con gái đều nhuộm răng ăn trầu, nhiều người đàn ông cũng nghiện trầu. Trước kia, răng đen là một tiêu chuẩn về vẻ đẹp của phụ nữ, các cô gái 12-13 tuổi đã bắt đầu nhuộm răng.

Thậm chí một số cụ bà cao niên nhưng hàm răng dường như chưa sứt mẻ được cho là nhờ ăn trầu và nhuộm răng. Có quan niệm phụ nữ xưa nếu không nhuộm răng sẽ không lấy được chồng. Nhuộm răng đen với ăn trầu có liên quan đến nhau. Tục nhuộm răng đen trước hết là do quan điểm thẩm mỹ. Và tục lệ ăn trầu là lý do trực tiếp của tục nhuộm răng, bởi nhai trầu thường làm ố đen răng, nên phải nhuộm đen, đồng thời tạo được vẻ thẩm mỹ duyên dáng cho hàm răng.

Ăn trầu cau và nhuộm răng phổ biến với phụ nữ ngày xưa

Xưa kia, đàn bà con gái người Tày, người Mường ai cũng có một túi đựng trầu, đó là túi vải, khâu thành hình mề gà hoặc hình ống đáy tròn trên miệng khâu viền để luồn dây, thắt lại và buộc vào ngang lưng mỗi khi đi đâu. Ăn kèm cùng với trầu cau chắc chắn không thể thiếu vôi trắng.

Vị ngọt từ quả cau, vị cay từ lá trầu, vị đắng chát từ rễ cây và vị nóng từ vôi làm cho thơm miệng, đỏ môi, say lòng người. Người ta ăn trầu là để thưởng thức vị cay thơm của lá trầu không, vị chát của vỏ, vị ngọt bùi của cau, vị nồng nàn của vôi... tất cả hòa quyện với nhau trong một màu đỏ sẫm.

Miếng trầu miếng cau mang đậm bản sắc văn hóa Việt

Ngày nay không nhiều người biết ăn trầu cau, thậm chí nếu ăn không khéo còn bị say. Miếng trầu cau còn tồn tại ở các vùng nông thôn, gắn liền với hình ảnh các cụ bà thôn quê dân dã. Tuy nhiên không phải vì thế mà trầu cau mai một, giá trị vẫn còn trường tồn, trở thành bản sắc văn hoá đặc biệt, thể hiện cho sự son sắt thuỷ chung trong hôn nhân, tình đoàn kết…

Có thể dễ nhàng nhận thấy trong rất nhiều các lễ nghi hiện tại như: cưới hỏi, mừng thọ, Tết, hội làng, mâm cúng lớn nhỏ…đều có sự xuất hiện của quả cau, lá trầu. Đặc biệt trong lễ cưới, trầu cau là biểu trưng cho tình yêu đôi lứa, cho sự thủy chung bền chặt, suốt đời gắn bó trăm năm.

THÀNH GIANG

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/net-van-hoa-tem-trau-cau-canh-phuong-100-qua-nhu-1-cua-nguoi-kinh-bac-xua-chi-dung-dai-khach-quy-a586248.html