Đừng thấy hoa đào tàn rụng đầy gốc mà vứt bỏ, đó là “kho dưỡng chất” có muôn vàn tác dụng với sức khỏe

Hoa đào là loài hoa gọi Tết đến xuân về ở miền Bắc. Dù nhà nào cũng có hoa đào nhưng ít ai biết ngoài mang lại ý nghĩa về sự may mắn và sắc xuân rực rỡ, hoa đào còn mang nhiều giá trị cho sức khỏe.

Dịp Tết cổ truyền, mỗi một vùng miền đều có những loài hoa, món ăn đặc trưng cho người dân bản địa ở nơi đó. Nếu như hoa mai là biểu tượng của Tết ở miền Nam, hoa đào chính là biểu tượng khi Tết đến xuân về ở miền Bắc.

Dược sĩ Ngô Thị Ngọc Trưng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3 cho biết, hoa đào mang ý nghĩa tinh hoa ngũ hành bởi sắc độ nhẹ nhàng, tươi thắm của nó có thể xua đuổi bách quỷ, những điều không may trong năm cũ và mang lại một năm mới an lành, hạnh phúc.

Không chỉ vậy, hoa đào còn tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, hòa thuận, gắn kết và thịnh vượng. Ngoài việc trưng bày cho không gian trở nên ấm cúng trong ngày Tết, loài hoa này còn có công dụng tuyệt vời trong lĩnh vực dược phẩm và mỹ phẩm.

Đào là loại hoa biểu trưng trong dịp Tết của người dân miền Bắc. 

"Một điều rất lãng phí là sau ngày xuân, những cành đào thường bị vứt bỏ. Nếu biết tận dụng, chúng ta có thể tạo ra những bài thuốc hay món ăn độc đáo có lợi cho sức khỏe của chính mình và những người thân yêu", dược sĩ Trưng tư vấn.

Theo dược sĩ Trưng, tại Việt Nam, hoa đào thường tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng… Người ta thường sử dụng hoa đã phơi hay sấy khô của cây đào để làm thuốc.

Theo Y học Cổ truyền, hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc và vào được ba đường kinh Tâm, Can và Vị có công dụng lợi thủy, hoạt huyết, thông tiện, được người xưa dùng để chữa các chứng bệnh như thủy thũng, đàm ẩm, đại tiểu tiện bất lợi, kinh bế, tâm phúc thống (đau vùng tim), mụn nhọt…

Trong thành phần của hoa đào có chứa nhiều dưỡng chất như caroten, các vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, tinh dầu, chất béo và nhiều chất dinh dưỡng khác. Các nghiên cứu hiện đại cho thấy dịch chiết hoa đào có tác dụng chống oxy hóa, giúp làm mờ nếp nhăn, cải thiện độ săn chắc cho làn da, ức chế hình thành hắc sắc tố melanin, làm mờ tàn nhang, nám da giúp làn da mịn màng và trắng hồng.

Bên cạnh tác dụng trị bệnh, hoa đào cũng được sử dụng và kết hợp với các nguyên liệu khác để tạo ra các món ăn, thức uống một cách độc đáo như cháo hoa đào, rượu hoa đào hay trà hoa đào… vừa tốt cho sức khoẻ, vừa góp phần làm đa dạng thêm nền ẩm thực vốn phong phú ở nước ta.

Sau khi chơi đào Tết, mọi người hãy tận dụng hoa để làm nhiều bài thuốc chữa bệnh hiệu quả. (Ảnh minh họa)

DS Trưng tư vấn, sau khi hoa đào đã khoe sắc toả hương, mang lại một không khí Tết đầm ấm và hạnh phúc, chúng ta không nên vứt bỏ mà hãy tận dụng những bông hoa đào này, đem phơi khô để bảo quản được lâu hơn, chỉ đơn giản là mỗi sáng sử dụng hoa đào vừa đủ, sắc với nước sôi là có một tách trà hoa đào vừa thanh tao, vừa thơm mát mà lại rất tốt cho sức khoẻ.

Một số bài thuốc từ hoa đào:

- Trà hoa đào hoạt huyết tán phong, trừ thấp: Hoa đào 10g, hoa sen 15g; hãm với nước sôi trong bình kín. Uống thay trà hằng ngày, dùng cho trường hợp da mặt có nhiều vết nám và tàn nhang.

- Trà hoa đào làm trắng da: Hoa đào 3g, hoa thược dược 3g, đan sâm 6g. Hãm trà uống, có tác dụng hoạt huyết, hóa ứ, dưỡng huyết, làm trắng da.

- Bột hoa đào làm trắng da: Hoa đào (khô) 60g, hạt bí 75g, vỏ cam 45g, xay thành bột mịn, cho vào lọ sứ dùng dần. Mỗi lần 1g, ngày 2 - 3 lần, dùng với nước ấm sau bữa ăn.

Công thức này có tác dụng thúc đẩy quá trình lưu thông máu và loại bỏ huyết ứ, xóa mờ vết nám và làm trắng da, dưỡng ẩm cho da.

- Trà hoa đào, hồng hoa: Hoa đào 5g, hồng hoa 5g; hãm trà uống hằng ngày, rất tốt cho sức khỏe và vẻ đẹp.

Lưu ý: Chỉ sử dụng hoa đào làm thuốc khi biết rõ hoa không bị nhiễm hóa chất gây hại trong quá trình trồng và thu hoạch, bảo quản. 

LÊ PHƯƠNG.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/dung-thay-hoa-dao-tan-rung-day-goc-ma-vut-bo-do-la-kho-duong-chat-co-muon-van-tac-dung-voi-suc-khoe-a586326.html