Bé trai Phú Thọ nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch sau khi uống nước ngọt có ga

Sau khi cháu bé uống nước ngọt có gas vài phút bất ngờ xuất hiện các triệu chứng khó chịu, phải đi cấp cứu tại bệnh viện.

Theo thông tin từ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ), ngày 26/1, các bác sĩ bệnh viện này đã tiếp nhận một bệnh nhi 10 tuổi trong tình trạng khó thở, nuốt nghẹn, nổi ban ngứa vùng ngực bụng, phù quincke mắt, nghe có co thắt vùng khí quản, thở rít.

Theo lời kể của gia đình, bệnh nhi sau khi uống nước ngọt có gas vài phút bỗng xuất hiện cảm giác nuốt nghẹn, mắc vướng cổ họng, đỏ mặt, phù mặt, nổi mẩn ngứa. Bệnh nhi được đưa đến trạm y tế dùng thuốc nhưng không đỡ, do trẻ ngày càng khó thở nhiều nên gia đình chuyển ngay đến bệnh viện cấp cứu.

Tại bệnh viện, các bác sĩ xử trí theo phác đồ chống sốc phản vệ, thuốc Adrenalin. Sau khi được cấp cứu và hồi sức tích cực, bệnh nhân qua cơn nguy kịch và được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu tại bệnh viện để tiếp tục điều trị.

Uống nước ngọt có ga cũng có thể gây sốc phản vệ. (Ảnh minh họa)

Theo các bác sĩ, sốc phản vệ là một kiểu phản ứng dị ứng cấp tính nặng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Sốc phản vệ xảy ra khi cơ thể có cơ địa dị ứng, tức là có thể xảy ra với người này nhưng không xảy ra với người khác.

Cơ chế nảy sinh sốc phản vệ trải qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 - giai đoạn mẫn cảm: Khi dị nguyên đi vào cơ thể, tình trạng sốc phản vệ bắt đầu xảy ra. Dị nguyên đi vào cơ thể qua đường tiêm truyền hoặc có thể do ăn uống, do hít phải hoặc tiếp xúc qua da, tại đây dị nguyên gặp đại thực bào và có thể gây ra sốc phản vệ.

Giai đoạn 2 - giai đoạn sinh bệnh: Khi dị nguyên kết hợp với kháng thể IgE giải phóng nhiều loại hoạt chất trung gian: serotonin, histamin....

Giai đoạn 3 - giai đoạn sinh lý bệnh: Khi đó các hoạt chất trung gian gây tác động khiến cho động mạch bị giãn, huyết áp giảm, phế quản bị co thắt gây nên những cơn đau ở vùng bụng, động mạch não bị co khiến cảm thấy đau đầu, choáng hoặc có thể là hôn mê, dẫn tới tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo, dị ứng, phản vệ, sốc có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

LÊ PHƯƠNG.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/be-trai-phu-tho-nhap-vien-cap-cuu-trong-tinh-trang-nguy-kich-sau-khi-uong-nuoc-ngot-co-ga-a586351.html