Món ăn xưa chỉ dân nghèo ăn, nay thành đặc sản người thành phố lùng mua, cách làm “lạ đời” chưa từng thấy

Món đặc sản Hà Giang này có cách làm cực kỳ lạ thường, nhiều người chưa từng nghe qua bao giờ.

Đến với vùng đất Hà Giang, tìm hiểu cuộc sống của người Dao, người Nùng, hẳn nhiều du khách cũng được nghe tới món bánh đá – một đặc sản lạ lùng của người dân nơi đây. Bánh được làm to như viên gạch, sau đó vứt xuống dưới những con suối nhỏ quanh nhà. Để đó chừng vài tháng là có thể ăn được.

Khi xưa, người dân tộc nghèo không có điều kiện bảo quản lương thực. Nguồn thực phẩm cũng lúc nhiều lúc ít. Người dân phải tự nghĩ cách để thức ăn có thể sử dụng được lâu hơn. Từ đó, món bánh đá ra đời.

Bánh đá được làm từ gạo, phải là loại gạo ngon. Gạo tẻ trộn với gạo nếp theo tỉ lệ nhất định. Món bánh này làm rất kỳ công và tốn nhiều công sức. Tuy nhiên sau mỗi vụ gặt, nhà nào cũng làm bánh đá để tích trữ, ăn dần cho cả năm.

Gạo sau khi được trộn thì đem ngâm khoảng 4 – 5 tiếng, ngâm xong thì lại đem phơi khô. Gạo ngâm đã khô thì bà con sẽ mang đi nghiền. Sau đó đồ bột gạo lên, chín nhừ thì mang ra giã. Giã cho dẻo thì bắt đầu nặn thành chiếc bánh to như cục gạch. Nhưng thao tác nặn phải thật nhanh vì nếu để bột nguội thì chúng không dính quyện được vào nhau. Người nào khéo tay thì có chiếc bánh đẹp, vuông vức, nếu không thì bánh sẽ hụt trước, hụt sau. Mỗi chiếc bánh đá nặng khoảng 1kg.

Bánh thành khuôn sẽ được để nguội hẳn rồi cho vào hộp, ủ rơm 3 ngày. Cho đến lúc ngửi thấy có mùi mốc thì người ta sẽ mang bánh đá ra suối ngâm. Lúc nào có nhu cầu ăn thì ra suối mò về. Bánh đá được bà con vứt xuống suối cách đấy cả vài tháng, cũng mọc rêu như những viên gạch, hòn đá ở dưới suối nên khó tránh khỏi việc đi mò bánh vớt nhầm phải đá, những ai tinh ý lắm mới không nhầm lẫn.

Trước đây bà con thường mang xuống suối ngâm, nhưng nhiều lúc bị lấy trộm nên giờ người dân kéo nguồn nước về đến tận nhà để ngâm. Nếu không có nguồn nước suối thì ngâm nước tại nhà, khi nào ngửi thấy có mùi chua thì đổi nước, cứ liên tục như vậy, khoảng vài tháng, khi kho lương thực trong nhà cạn dần thì bắt đầu mang bánh đá ra ăn.

Bánh đá mang về thì đã mọc rêu cả, phải dùng bàn chải (khi xưa chưa có bàn chải thì dùng xơ mướp) để đánh cho sạch rêu. Đánh đến khi bánh trắng tinh như gạo mới dừng lại, sau đó thái sợi như thái su hào xào. Bánh đá có thể sử dụng để làm nguyên liệu cho nhiều món ăn. Có người ăn thay bún, có người đem nấu thành món ăn vặt hấp dẫn.

Bánh đá thái từng lát mỏng, rồi thái sợi nhỏ. Gừng đập nát, cho vào nồi nước (đã có đường phên) đun sôi, sau đó thả từng miếng bánh đã được thái chỉ vào nồi, chờ nước sôi là múc ra bát ăn. Từng miếng bánh đá lúc này đã dẻo, quyện cùng mùi gừng và vị ngọt của đường phên trở thành một món ăn độc đáo của người vùng cao. 

Thưởng thức từng sợi bánh đá dẻo, ngấm vị gừng, vị ngọt của đường phên, bạn có thể liên tưởng đến mónbánh trôi, bánh chay ở miền xuôi. Những sợi bánh đá đem lại cảm giác mềm mại, nuột nà hơn một chút.

Bánh đá thái sợi, luộc qua nước nóng rồi trộn cùng nước mắm, chanh, ớt. Ăn cũng tương tự như bún rối chấm nước mắm ở miền xuôi. Thậm chí bánh đá còn có phần dẻo, ngon, nóng sốt hơn nhiều. 

Bánh đá cũng có thể đem thái lát mỏng rồi đem chiên với dầu nóng, hoặc nướng trên bếp than hoa (có thể dùng nồi chiên không dầu). Lúc này nó lại trở thành món bánh gạo thơm dẻo. Có thể chấm với chút mắm, tương ớt ngòn ngọt, sẽ là thức ăn vặt thơm ngon ngày lạnh.

Bánh đá là một món ăn được coi là đặc sản truyền thống của đồng bào nên mặc dù hiện nhiều gia đình đã sắm được tủ lạnh để bảo quản, dự trữ thức ăn nhưng đồng bào vẫn làm bánh đá để ăn dần. Bánh đá Hà Giang được đóng gói và bán với giá từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Bạn có thể tìm mua trên chợ mạng hoặc các sàn thương mại điện tử.

H.M

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/mon-an-xua-chi-dan-ngheo-an-nay-thanh-dac-san-nguoi-thanh-pho-lung-mua-cach-lam-la-doi-chua-tung-thay-a586378.html