Doanh thu cao, lợi nhuận thấp
Cty Thăng Long được thành lập vào ngày 25/02/2013 với mã số thuế 0101722001. Trụ sở đặt tại tầng KTM, nhà CT1, khu Nàng Hương, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Hà Nội. Ông Nguyễn Ngọc Quân là người đại diện pháp luật đồng thời cũng nắm giữ chức vụ Giám đốc của Công ty này.
Theo đăng ký kinh doanh, Cty Thăng Long hoạt động trong hàng loạt ngành nghề như: Xây lắp các công trình nguồn điện, công trình đường dây và trạm biến áp đến 500kW, Xây dựng các công trình công nghiệp, dân dụng, giao thông, thủy lợi, bưu chính viễn thông…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được biết đến với nhiều gói thầu trong lĩnh vực điện, nhất là ở khu vực phía Bắc. Điển hình như: tại ban Quản lý dự án lưới điện - tổng công ty Điện lực miền Bắc (10/20 gói), công ty Điện lực Hưng Yên (5/6 gói), công ty Điện lực Bắc Giang (2/2) gói....
Kể từ khi gia nhập hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, doanh nghiệp này trong vai trò liên danh và độc lập đã tham gia 139 gói thầu, trúng 62 gói, trượt 57 gói, 8 gói chưa có kết quả, 11 gói đã bị hủy. Tổng giá trị trúng thầu là hơn 16.546 tỷ đồng.
Việc liên tiếp trúng nhiều gói thầu lớn cũng như các hoạt động kinh doanh khác đã đưa về cho Cty Thăng Long từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng doanh thu mỗi năm. Song, tỷ suất sinh lời trên doanh thu của công ty lại cực kỳ khiêm tốn.
Theo tài liệu mà PV có được, mặc dù trúng nhiều gói thầu và có doanh thu lớn nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp khá “mỏng”, ở mức khoảng hơn 1%. Trong đó, đáng chú ý, năm 2020, lợi nhuận của Cty Thăng Long chỉ đạt 0,5% doanh thu.
Cụ thể, trong năm 2018, doanh thu thuần của doanh nghiệp là gần 300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3,6 tỷ đồng, chiếm 1,2%. Theo lý giải từ phía Cty Thăng Long, tình trạng trên là do giá vốn ở mức khá cao (284 tỷ đồng). Năm 2019, Cty Thăng Long có doanh thu thuần giảm còn 225 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 2,8 tỷ đồng, chiếm 1,2%.
Trong năm tài chính 2021, Cty Thăng Long ghi nhận doanh thu thuần 217 tỷ đồng, giảm mạnh từ mức 349 tỷ đồng năm 2020 và cũng là mức thấp nhất trong 4 năm gần nhất.
Dù vậy, biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ nhờ giá vốn hàng bán giảm còn 205 tỷ đồng, dẫn đến doanh nghiệp báo lãi gộp đạt gần 12 tỷ đồng so với mức gần 11 tỷ đồng của năm 2020.
Trừ các chi phí, doanh nghiệp báo lãi trước thuế năm 2021 đạt 3,1 tỷ đồng, lãi sau thuế 2,4 tỷ đồng (chiếm 1,1% doanh thu); lần lượt tăng từ mức 2,3 tỷ đồng và 1,8 tỷ đồng (chiếm 0,5% doanh thu) trong năm 2020.
Nhiều rủi ro vì khả năng thanh toán thấp?
Về hoạt động kinh doanh chính, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp, lưu chuyển tiền thuần từ kinh doanh chính trong năm 2021 âm nặng gần 28 tỷ đồng từ mức dương 2,6 tỷ đồng năm 2020. Nguyên nhân đến từ khoản mục hàng tồn kho tăng 23,2 tỷ đồng so với năm 2020 và giảm khoản phải trả (Không kể lãi vay, thuế TNDN) 88,4 tỷ đồng (khiến dòng tiền giảm số lượng tương ứng).
Mặc dù lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính dương 9,7 tỷ (nhờ khoản thu từ đi vay thực tế trong kỳ 13,4 tỷ đồng) và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư hơn 1 tỷ đồng ( nhờ thanh lý trái phiếu BIDV trị giá 1 tỷ đồng), tựu chung lại, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ vẫn âm 17,2 tỷ đồng.
Chính mức âm này khiến cho tính đến 31/12/2021, tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp giảm từ hơn 20 tỷ đồng về chỉ còn 3 tỷ đồng, góp phần làm giảm quy mô tài sản của doanh nghiệp so với năm 2020.
Báo cáo tài chính năm 2021 của doanh nghiệp cho thấy tính đến ngày 31/12/2021, tổng tài sản tiếp tục giảm mạnh về 110 tỷ đồng từ mức 187 tỷ đồng vào cuối năm 2020, tức giảm 41%. Trong đó, tài sản ngắn hạn vẫn chiếm đa số trong tổng tài sản (hơn 99%).
Mức giảm mạnh của tổng tài sản doanh nghiệp trong năm 2021 chủ yếu do các khoản tiền và tương đương tiền giảm từ 20 tỷ xuống chỉ còn 3 tỷ đồng (bao gồm 743 triệu đồng tiền mặt và 2,3 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn). Trong khi các khoản phải thu ngắn hạn giảm 56% từ 147 tỷ đồng xuống còn chưa đầy 65 tỷ đồng.
Do vậy, dù danh mục hàng tồn kho tăng hơn gấp đôi lên gần 41 tỷ đồng (toàn bộ là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang) và có thêm khoản khấu trừ thuế GTGT 1,5 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp vẫn giảm mạnh từ 185 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2020.
Về tài sản dài hạn, báo cáo tài chính cho thấy tại thời điểm 31/12/2021, doanh nghiệp đã thanh lý khoản đầu tư tài chính trị giá 1 tỷ đồng là trái phiếu ngân hàng BIDV mà báo cáo đến ngày 31/12/2020 vẫn ghi nhận.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nghĩa vụ nợ của doanh nghiệp tính đến 31/12/2021 ghi nhận 87,5 tỷ đồng, giảm mạnh từ 164,6 tỷ đồng của cuối năm 2020. Mức giảm chủ yếu đến từ khoản mục phải trả người bán ngắn hạn, còn 72,8 tỷ đồng từ mức 158,6 tỷ đồng của năm 2020, tức giảm 54%. Khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn cũng giảm mạnh từ 4,5 tỷ đồng về 915 triệu đồng.
Đáng chú ý, trong kỳ, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng lên 11,2 tỷ đồng từ mức 0 của năm 2020.
Vốn chủ sở hữu của Cty Thăng Long tại ngày 31/12/2021 đạt gần 22,9 tỷ đồng, tăng từ 22,1 tỷ đồng vào cuối năm 2020. Hệ số nợ trên vốn chủ của doanh nghiệp là 0,26 lần.
Nói thêm về khả năng thanh khoản, tại thời điểm hết năm 2021, hệ số thanh toán tổng quát (Tổng tài sản/ Nợ phải trả) của Cty Thăng Long là 1,26 lần. Tuy nhiên, hệ số thanh toán tức thời (Tiền và các khoản tương đương tiền trên Nợ ngắn hạn) chỉ khoảng 0,034 lần, do tiền và tương đương tiền tại ngày 31/12/2021 của Cty Thăng Long còn lại vỏn vẹn 3 tỷ đồng.
Hệ số thanh toán tức thời phản ánh mức độ đáp ứng nợ ngắn hạn bằng tiền và tương đương tiền của doanh nghiệp. Tức là với lượng tiền và tương đương tiền hiện có, doanh nghiệp có đảm bảo khả năng thanh toán tức thời các khoản nợ ngắn hạn hay không.
Thông thường, hệ số này mức từ 0,1 trở lên biểu hiện lượng tiền mặt được duy trì bình thường. Với trường hợp của Thăng Long, hệ số này ở mức 0,034 lần và liên tục giảm từ năm 2018 đến nay có xu hướng phản ánh lượng tiền và tương đương tiền dự trữ cho thanh toán ngày một xấu đi, đồng nghĩa cơ khả năng dùng tiền để trang trải nợ ngắn hạn không tốt.
Thanh Phong