Tổ chức thi tốt nghiệp THPT vào nửa đầu tháng 7 và kỳ thi riêng của các trường đại học
Chia sẻ với báo chí, đại diện Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến sẽ diễn ra vào nửa đầu tháng 7. Theo đó, đề thi chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12. Ngoài ra, đề thi cũng sẽ tăng cường vận dụng những kiến thức thực tiễn ở một số môn học, từng bước hướng tới việc đánh giá năng lực trong chương trình mới.
Sau thông tin trên, nhiều giáo viên và học sinh kỳ vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm chốt thời điểm diễn ra kỳ thi, bên cạnh việc ra đề thi minh họa để học sinh có thể chủ động ôn tập.
Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhiều trường đại học cũng đã công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi riêng. Tại Hà Nội, đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 8 đợt thi đánh giá năng lực từ ngày 10/3 đến ngày 4/6 tại các tỉnh thành: Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng, Thanh Hóa và Nghệ An.
Trong khi đó, trường đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức thi đánh giá năng lực trong 3 đợt chính, vào tháng 5, tháng 6 và tháng 7. Theo khảo sát, có khoảng 50 trường đại học đã công bố đề án tuyển sinh dự kiến năm 2023.
Thí sinh lo sợ vì phải ôn luyện song song kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia và kì thi xét tuyển đại học riêng
Trao đổi với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, Diệp Anh (2005, Hà Nội) cho biết, dự định sẽ đăng ký kỳ thi đánh giá năng lực của trường đại học Sư phạm Hà Nội được tổ chức vào ngày 6/5. Được biết, trong năm nay, nhiều trường đại học sẽ tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển thi đánh giá năng lực, bên cạnh giảm chỉ tiêu từ kì thi tốt nghiệp THPT. Vì thế, mức độ cạnh tranh lấy từ kì thi chung sẽ cao hơn.
Sau khi tham khảo đề án tuyển sinh từ nhiều trường đại học, Diệp Anh lựa chọn xét tuyển vào ĐH Sư phạm vì môi trường đào tạo ở đây tốt. Bên cạnh đó, việc lựa chọn trường của Diệp Anh cũng đã được bố mẹ định hướng.
“Năm trước, em đã thử sức với các đề minh họa của trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Hiểu được cấu trúc đề, em cố gắng ôn luyện ngay. Đến nay, em cơ bản đã nắm rõ cách làm bài nên sẽ dành nhiều thời gian để ôn thi tốt nghiệp THPT”, Diệp Anh chia sẻ.
Hiện tại, Diệp Anh không có nhiều thời gian rảnh do phải tập trung vào việc học cũng như ôn luyện ở các trung tâm. Vào buổi sáng, em đi học như bình thương. Buổi chiều, Diệp Anh sẽ tham gia các lớp ôn tập thêm. Trong khi đó, em cũng có một số buổi được kèm riêng bởi gia sư.
Diệp Anh tâm sự: “Nhiều tối, em thường tự đánh giá năng lực của bản thân bằng việc tải các đề thi trên mạng về để làm bài. Bên cạnh đó, em cũng đã thử sức với các đề thi chính thức trước đây. Có những hôm, em phải mất gần 3 tiếng để giải xong để thi”.
“Em áp lực khi phải ôn luyện song song giữa kỳ thi xét tuyển riêng và thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Do khối lượng kiến thức lớn, em cảm thấy nơm nớp sợ vì kiến thức trải đều các môn, trong khi em học chuyên về khối D. Em lo rằng nếu tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ bị đuối và không thể làm tốt bài thi đánh giá năng lực”, Diệp Anh nói thêm.
Trước áp lực kỳ thi THPT quốc gia và kỳ thi riêng, các sĩ tử đã bắt đầu ôn tập từ nhiều tháng trước. Với những kỳ thi đánh giá năng lực, thí sinh cũng bắt đầu tìm hiểu và thử sức với những đề minh họa.
Văn Phong
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ap-luc-thi-cu-cua-hoc-sinh-lop-12-truoc-ky-thi-thpt-quoc-gia-2023-a586917.html