Đó là một trong số những nội dung quan trọng vừa được Thanh tra Chính Phủ nêu tại Báo cáo Số 362/BC-TTCP về Kết quả giải quyết và trả kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV.
Cụ thể, tại báo cáo này, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN), năm 2022, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành thanh tra chuyên đề trên diện rộng về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm thuốc phòng, chống dịch Covid-19; thành lập 03 đoàn thanh tra tại Bộ Y tế, Hà Nội, TP. HCM; đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn thanh tra các bộ, ngành, địa phương tiến hành thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm thuốc phòng, chống dịch Covid-19.
Qua thanh tra cho thấy, công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế đã được các đơn vị thực hiện theo đúng quy trình, thủ tục tại Luật Đấu thầu, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, Thông tư 58/2016/TT-BTC. Tuy nhiên, quá trình mua sắm có nhiều thiết sót, khuyết điểm, vi phạm trong việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu và thực hiện hợp đồng mua sắm tại nhiều địa phương.
Cụ thể, 54/61 tỉnh, thành phố có 4.992/15.909 gói thầu vi phạm. Hai địa phương có tỉ lệ gói thầu vi phạm cao (qua kiểm tra xác suất một số đơn vị, cơ sở y tế) là Hà Tĩnh, Đà Nẵng với tỉ lệ 100%; tiếp đến là Hải Phòng 95,8%; Quảng Trị 95,2%; Nam Định 91,3%; Bình Thuận 90,7%; Cần Thơ 89,3%; Vĩnh Long 85,5%; các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Ninh Bình, Hà Giang trên 70%...
Một số vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển 40 vụ việc cho cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo thẩm quyền; trong đó, Thanh tra Chính phủ 16 vụ việc; thanh tra bộ, tỉnh 24 vụ việc.
Cũng tại báo cáo này, Thanh tra Chính Phủ nhấn mạnh, thời gian qua, Chính Phủ, Thủ tướng Chính Phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, tăng cường kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực có nhiều nguy cơ và dư luận tiêu cực về tham nhũng như các dự án đầu tư lớn, quản lý, sử dụng đất đai, cổ phần hoá, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước; việc mua, bán, chuyển nhượng tài sản công, các dự án mua sắm từ tài sản Nhà nước...
“Tập trung kiểm tra, thanh tra dứt điểm những vấn đề tồn đọng, kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, nhân dân quan tâm. Tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ PCTN; kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Công tác PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng, có mặt cao hơn năm trước; sự phối hợp đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả; gắn PCTN với công tác tổ chức, cán bộ, xử lý nghiêm sai phạm theo quy định về kỷ luật Đảng, Nhà nước, và xử lý hình sự; khẳng định quyết tâm mạnhh mẽ "không ngưng”, “không nghỉ” “không có vùng cấm trong đấu tranh PCTN”, báo cáo nêu rõ.
Bùi Ngân – Phương Nam
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ha-tinh-co-ti-le-goi-thau-mua-sam-thiet-bi-vat-tu-y-te-vi-pham-cao-a587497.html