Angimex (AGM): Quy mô nợ “phình” to, mất khả năng thanh toán trái phiếu

Mới đây, HĐQT CTCP Xuất Nhập khẩu An Giang (Angimex, mã: AGM) đã thông qua nghị quyết về việc tổ chức hoạt động của 2 công ty con nhằm tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau khi thua lỗ nặng nề và mất khả năng thanh toán trái phiếu trong năm 2022.

Giải thể và sang nhượng 2 công ty

Cụ thể, HĐQT AGM đã thông qua việc thực hiện chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Dịch vụ Phát triển Nông thôn Đồng Tháp (Dasco) và giải thể công ty Lương thực Angimex.

Trong một diễn biến trước đó, HĐQT AGM đã thông qua chuyển nhượng 100% vốn của Dasco với giá gốc khoảng 80 tỷ đồng. Như vậy, sau khi chuyển nhượng, AGM không còn là công ty mẹ của Dasco.

Liên quan tới các động thái trên của AGM, cuối năm 2022, doanh nghiệp này tuyên bố mất khả năng thanh toán với hai lô trái phiếu: Lô AGMH2123001 được phát hành vào 9/11/2021 với tổng giá trị 350 tỷ đồng và lô AGMH2223001 phát hành vào 14/3/2022 với tổng giá trị 300 tỷ đồng.

xang

AGM đang phải bán tài sản để trả lãi trái phiếu.

Được biết 2 lô cổ phiếu nói trên có kỳ tính lãi 3 tháng/lần và hiện tại AGM vẫn còn nợ số tiền lãi lên tới gần 7,8 tỷ đồng. Trước tình trạng trên, ngày 3/2 vừa qua, AGM đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến, các trái chủ đã đồng ý gia hạn thời gian thêm 6 tháng và phát mại tài sản đảm bảo của công ty để trả nợ.

Cụ thể, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là các quyền sử dụng đất theo chứng thư thẩm định giá số 40021/TĐG-CT ngày 10/12/2021 của Công ty TNHH Hãng Kiểm toán và Định giá ASCO – Chi nhánh miền Nam có tổng giá trị 485,1 tỷ đồng.

Hội nghị được diễn ra trong bối cảnh AGM đang rơi vào tình trạng mất cân đối vốn. Bởi lẽ, theo kế hoạch năm 2022, AGM dự kiến phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ đang thiếu lên 225 tỷ đồng nhưng chưa thể thực hiện.

Do đó, doanh nghiệp này dự kiến thanh lý tài sản để bổ sung vốn lưu động ở 9 phân xưởng, nhà máy, kho. Số tài sản này có tổng diện tích 40.542,6 m2, giá sổ sách 127,2 tỷ đồng và giá bán dự kiến 240 tỷ đồng.

Quy mô nợ tăng 70%

Về tình hình tài chính mới nhất, trong quý IV/2022, AGM ghi nhận doanh thu thuần đạt 362,62 tỷ đồng, giảm 77,2% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 104,25 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2022, Angimex ghi nhận doanh thu đạt 3.454,34 tỷ đồng, giảm 12% so với năm trước và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 139,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 44,71 tỷ đồng.

Về số liệu tổng tài sản, AGM cho thấy mức tăng qua các năm, tuy nhiên, cùng với đó, số nợ của doanh nghiệp cũng bất ngờ “phình to”. Tính đến ngày 31/12/2022, AGM ghi nhận tổng tài sản hơn 1,6 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ của doang nghiệp ở mức 1,2 nghìn tỷ đồng (chiếm 74%).

anh 2

\Số liệu tổng nợ và vốn chủ sở hữu của AGM qua các năm.

So với mức 772 tỷ đồng năm 2019, sau 4 năm tổng tài sản của AGM đã tăng tới hơn 50%. Tuy nhiên, tổng số nợ của doanh nghiệp cũng đã tăng hơn 70% từ mức 330 tỷ (năm 2019) lên 1,2 nghìn tỷ (năm 2022).

Trong 2 năm tài chính 2020 và 2021, số nợ của AGM bất ngờ tăng mạnh tới mạnh tới khoảng 76% từ 319 tỷ lên 1,3 nghìn tỷ. Tuy số vay nợ “phình to” nhưng vốn chủ sở hữu của AGM vẫn chỉ duy trì ở mức hơn 400 tỷ đồng (438 tỷ năm 2020 và 482 tỷ năm 2021).

Tính đến ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của AGM thậm chí xuống mức 385 tỷ đồng. Như vậy, trong 2 năm gần nhất, số tiền doanh nghiệp này đi vay đã vượt vốn chủ sở hữu từ 2,6 tới hơn 3 lần. 

Việc số nợ vượt vốn chủ sở hữu gấp nhiều cho thấy khả năng thanh toán tổng quát của doanh nghiệp sẽ không cao. Đặc biệt, hệ số thanh toán tức thời của AGM trong năm 2022 cũng ở mức thấp là 0,01. Chỉ số này cho thấy khả năng điều tiết dòng tiền của doanh nghiệp không tốt và khả năng chi trả các khoản nợ ngắn hạn kém.

Công ty Thu mua Lương thực Angimex có địa chỉ tại An Giang, được thành lập tháng 4/2022 (chưa được 1 năm) với vốn điều lệ 50 tỷ đồng. Công ty đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn gạo, lúa mì, ngũ cốc, bột mỳ.

Thanh Phong

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/angimex-agm-quy-mo-no-phinh-to-mat-kha-nang-thanh-toan-trai-phieu-a587897.html