Ngày 10/3, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, hôm 8/3 Khoa Phụ Sản 1 của bệnh viện ghi nhận trường hợp một bệnh nhân nữ 32 tuổi đi khám với triệu chứng đau khi cử động vùng cánh tay đã cấy que trước đó ở cơ sở y tế tư nhân.
Qua kết quả chụp X-quang cho thấy que không nằm dưới da mà đã nằm sâu trong phần cơ cánh tay phải của bệnh nhân dẫn đến tình trạng đau trong mỗi lần cử động.
Hình ảnh que cấy tránh thai đi lạc chỗ trong cánh tay bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Thanh Nhàn.
Các bác sĩ Khoa phụ 1, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, mỗi que cấy tránh thai có kích thước cỡ bằng que diêm, được cấy vào vùng da dưới cánh tay của người phụ nữ, thường là cánh tay không thuận để tránh vận động, di chuyển nhiều sau khi cấy. Tuy nhiên khi cấy không đúng kỹ thuật như cấy que nằm quá nông hoặc quá sâu đều gây khó chịu và đau đớn cho chị em.
Theo các chuyên gia sản phụ khoa, cấy que tránh thai hiện là phương pháp tránh thai được nhiều phụ nữ ưa dùng với nhiều ưu điểm vượt trội. Tuy nhiên, khi quyết định thực hiện, chị em cần lựa chọn các cơ sở uy tín để tránh "tiền mất tật mang". Đặc biệt, sau khi cấy que, nếu thấy có biểu hiện của các tác dụng phụ kéo dài bất thường và xuất hiện các dấu hiệu khác lạ, chị em cần thăm khám, theo dõi và được tư vấn kịp thời tại các cơ sở y tế uy tín và các bác sĩ giỏi chuyên môn tránh để lâu gây ra những biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Điều gì cần biết trước khi quyết định cấy que tránh thai?
Theo trang thông tin của Sở Y tế Hà Nội, cấy que tránh thai là một biện pháp ngừa thai có hiệu quả lên tới trên 99% và kéo dài từ 3-5 năm (tùy loại que) sau một lần cấy duy nhất. Cách này thích hợp với những người hay quên uống thuốc tránh thai hàng ngày; Người không dùng được thuốc vỉ ngừa thai có chứa estrogen: đang cho con bú, tăng huyết áp, hút thuốc lá, tiểu đường, trên 40 tuổi…
Một số nhược điểm và tác dụng phụ của que cấy tránh thai
- Ngoài có giá thành khá cao, khi cấy que tránh thai có thể xảy ra một số tai biến như: Tụ máu, nhiễm trùng chỗ cấy, dị ứng, que cấy dịch chuyển (thường dưới 2cm). Các tai biến này có tỷ lệ khá thấp chỉ từ 0,2-1%. Nên báo ngay với bác sĩ nếu bạn không sờ thấy que cấy hoặc que cấy bị cong, da vùng cấy bị tấy sưng đỏ hay có bất cứ gì lạ.
- Que cấy tránh thai không có tác dụng phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) và HIV/AIDS.
- Tác dụng phụ thường gặp nhất của que tránh thai là gây ra một số xáo trộn nhẹ về chu kỳ kinh nguyệt như chu kỳ hành kinh thưa hơn và giảm dần lượng máu kinh. Có khoảng 30% phụ nữ sau cấy que gặp hiện tượng vô kinh. Các hiện tượng như giảm ham muốn tình dục, tăng cân bất thường, đau đầu, căng tức ngực rất hiếm gặp.
Chị em nên đến khám tại các cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện cấy que tránh thai để được bác sĩ kiểm tra và tư vấn kỹ lưỡng.
Chống chỉ định của việc cấy que tránh thai
Biện pháp cấy que tránh thai chống chỉ định cho những phụ nữ: Đang có thai; Đang cho con bú dưới 6 tuần sau sinh; Có huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân hay phổi; Ra máu âm đạo chưa rõ nguyên nhân; Ung thư vú hay có tiền sử ung thư vú; Đang có bệnh lý gan nặng; Đang sử dụng thuốc chống động kinh hay thuốc điều trị lao (rifampicin).
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi
THIÊN PHONG