BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh viện mới tiếp nhận và điều trị cho 2 bệnh nhân mắc liên cầu lợn nguy kịch. Trường hợp đầu tiên là nam, 51 tuổi, ở Vụ Bản, Nam Định có tiền sử tăng huyết áp, xơ gan, uống rượu nhiều năm. Sau một ngày ăn tiết canh, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao, rét run, được chuyển vào bệnh viện tỉnh cấp cứu rồi chuyển lên tuyến trung ương.
Khi vào viện, bệnh nhân mệt mỏi nhiều, da niêm mạc tái nhợt, môi khô lưỡi bẩn, sốt cao, khó thở, nghe phổi có giảm thông khí. Sau 11 ngày điều trị, bệnh nhân đã cắt sốt, hết khó thở, tình trạng nhiễm trùng giảm.
Trường hợp bệnh nhân thứ 2 là nữ giới, 44 tuổi, ở Giao Thủy, Nam Định, làm nghề giết mổ lợn, nhập viện trong tình trạng giảm ý thức. Trước đó vài tiếng, gia đình phát hiện bệnh nhân trong tình trạng kích thích, vật vã, gọi hỏi không trả lời rồi nhanh chóng rơi vào hôn mê, suy hô hấp.
Người mắc liên cầu lợn có thể có nhiều tổn thương trên cơ thể. (Ảnh minh họa)
Khi tới BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân vẫn hôn mê sâu, ban xuất huyết dạng đám, dải vùng cẳng bàn tay, bàn chân 2 bên, phổi có tình trạng viêm. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não mủ, viêm phổi. Ngay sau đó, bệnh nhân đã được chọc dịch não tủy để đánh giá, dịch não tủy chảy ra đục mủ như nước vo gạo, phải điều trị thở máy. Sau quá trình điều trị, nữ bệnh nhân đã tỉnh và được rút ống nội khí quản, qua cơn nguy kịch, thở khí phòng bình thường, huyết động ổn định.
Cả 2 bệnh nhân trên khi nhập Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều được cấy máu phát hiện nhiễm vi khuẩn STreptococcus (liên cầu khuẩn lợn). Bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài với chi phí lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đề nghị:
- Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch; các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.
- Tăng cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người: Không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.
- Sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện bảo đảm triển khai các biện pháp giám sát và xử lý ổ dịch; rà soát các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh liên cầu lợn để củng cố năng lực cho cán bộ chuyên trách.
LÊ PHƯƠNG.