Hạt dẻ là một loại hạt của cây hạt dẻ, đây là loài thực vật thuộc loại thân gỗ, có tuổi thọ sống lâu năm và có nguồn gốc từ những nước ở khu vực châu Âu, bán đảo châu Á (nay là lãnh thổ của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ).
Ngày nay, hạt dẻ được yêu thích sử dụng rộng rãi khắp thế giới, vì vậy nên người ta trồng cây hạt dẻ trên rất nhiều nơi ở khu vực châu Á và đặc biệt là lãnh thổ châu Âu.
Thông tin trên Thương Hiệu&Sản Phẩm, theo khoa học, hạt dẻ được gọi là Castanea Mollissima, ngoài ra người ta còn biết đến hạt dẻ với cái tên Sơn Hạch Đào. Đây là một loài cây thuộc họ Sồi dẻ (Fagaceae).
Hạt dẻ được bao bọc bởi lớp vỏ của quả đầy gai ở bên ngoài. Vào khoảng tháng 8 -10 mỗi năm, quả chứa hạt dẻ sẽ vào mùa chín, khi ấy, quả sẽ chuyển sang màu nâu đen và tự rụng xuống đất. Mỗi quả hạt dẻ thường chứ 1-2 hạt, có quả còn chứa đến tận 4 hạt dẻ bên trong.
Khả năng chịu rét và chịu nhiệt của cây hạt dẻ rất tốt. Cây hạt dẻ có rất nhiều giá trị kinh tế bởi không chỉ mang lại sản lượng hạt dẻ đều đặn kéo dài trong suốt 60 năm, cây còn được trồng nhằm mục đích lấy gỗ nhờ chất lượng của gỗ cây hạt dẻ rất tốt, khá chắc chắn và bền cứng.
Danh y Tôn Tư Mạc, thời nhà Đường (Trung Quốc) nói về hạt dẻ: Đó là “thứ hạt của thận, người bị bệnh thận nên sử dụng” (thận chi quả dã, thận bệnh nghi thực chi). Theo quan niệm của Đông y, thận là gốc của cơ thể, bổ thận càng tốt, càng dễ dàng khỏe mạnh. Một thực phẩm đặc biệt của mùa thu chính là hạt dẻ. Hãy xem loại hạt dẻ dại trong rừng này tại sao lại được Đông y đánh giá là “đệ nhất hạt”, “thần dược” trong việc chăm sóc thận nhé.
Hạt dẻ là vị thuốc quý trong dân gian
Theo báo Sức Khỏe& Đời Sống, trong dân gian cũng có nhiều bài thuốc sử dụng hạt dẻ như một cách để bồi bổ cơ thể sau khi ốm, mất ngủ, viêm phế quản, đau dạ dày hoặc để trừ giun sán.
Bổ thận, mạnh gân cốt: Dùng hạt dẻ, gạo tẻ nấu thành cháo, cho thêm đường trắng, ăn mỗi ngày một lần.
Chữa suy nhược cơ thể, tay chân đau nhức, yếu mệt: Dùng hạt dẻ khô khoảng 30 gram đem nấu chín với nước, cho thêm đường đỏ, ăn một lần trước lúc ngủ.
Trị chứng thận hư, đau nhức xương khớp ở người già: Dùng 30 gram hạt dẻ tươi nướng hoặc hấp chín, ăn hai lần vào buổi sáng và tối.
Trị hen suyễn, thận và khí hư ở người già: Dùng 60 gram hạt dẻ tươi, thịt lợn nạc vừa đủ, 2 - 3 lát gừng tươi, hầm ăn mỗi ngày một lần.
Trị viêm miệng - lưỡi, viêm âm nang do thiếu vitamin B2: Hạt dẻ rang chín, mỗi ngày ăn hai lần, mỗi lần 5 - 7 hạt.
Trị tiêu chảy do tỳ vị hư hàn: Dùng 30 gram hạt dẻ, 12 gram phục linh, 10 quả táo, 60 gram gạo tẻ, rửa sạch nấu thành cháo. Khi ăn, cho thêm đường trắng.
Những lưu ý khi ăn hạt dẻ
Mặc dù hạt dẻ ngon và bổ nhưng nếu ăn thường xuyên sẽ gây đầy bụng, khó tiêu. Thành phần của hạt dẻ hầu như không có chất xơ, nên ăn nhiều sẽ gây táo bón.
Những người tiêu hoá kém không nên ăn hạt dẻ nhiều dễ làm tổn thương tỳ vị.
Người bị bệnh dạ dày nên hạn chế ăn hạt dẻ vì sẽ sản sinh nhiều axit dạ dày, tăng thêm gánh nặng cho dạ dày, người bị nặng sẽ dẫn đến xuất huyết dạ dày.
Người bị cảm chưa khỏi, bệnh nhân mắc chứng sốt rét, kiết lỵ, phụ nữ sau khi sinh không nên ăn nhiều hạt dẻ. Mỗi ngày không nên ăn quá 10 hạt dẻ to để tránh bị táo bón.
Khi ăn hạt dẻ cũng cần chú ý không ăn các loại hạt đã có dấu hiệu mốc hỏng. Khi bóc hạt dẻ nếu thấy màu sắc bên trong thay đổi thì cần phải bỏ ngay.
Trước khi rang hay chế biến món ăn từ hạt dẻ nên lưu ý cần rửa sạch hạt dẻ hoặc bóc vỏ. Không nên rang hạt dẻ đến mức cháy khét vì sẽ làm giảm đi hàm lượng dưỡng chất trong hạt dẻ. Để bảo quản hạt dẻ được tốt nên để chỗ thoáng mát, sạch sẽ, phòng mối mọt.
Nghi Dung (Tổng Hợp)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/loai-hat-xua-rung-day-rung-khong-ai-nhat-nay-la-de-nhat-bo-than-manh-gan-cot-a588601.html