Ngày 13/03 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 21,5 triệu cổ phiếu (tương ứng vốn điều lệ là 215 tỷ đồng) của công ty CP Tập đoàn Dược Bảo Châu (OTC: DuocBaoChau)
Được biết, đây không phải lần đầu tiên Dược Bảo Châu có “nguyện vọng” niêm yết cổ phiếu lên sàn. Trong thời gian khoảng 4 năm qua, cty này đã nhiều lần “ngụp lặn” và gặp nhiều vướng mắc pháp lý.
Cụ thể, Dược Bảo Châu từng bị HNX (Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội) xử phạt 350 triệu đồng vì đã đăng ký công ty đại chúng với UBCKNN từ ngày 18/06/2019, nhưng chưa đưa chứng khoán vào niêm yết, giao dịch theo quy định.
Gần đây nhất, ngày 29/09/2022, doanh nghiệp đã một lần nộp hồ sơ đăng ký lên HOSE. Tuy nhiên, sau 3 tháng, đơn vị này không nộp đủ hồ sơ, tài liệu dẫn tới việc HOSE dừng xem xét yêu cầu.
Những năm gần đây, Dược Bảo Châu được biết đến là một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất thuốc, hóa dược liệu. Với doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, quy mô tài sản của doanh nghiệp trong giai đoạn 4 năm từ 2019 – 2022 đã tăng gần 50%. Cụ thể, tổng tài sản của Dược Bảo Châu vào năm 2019 là 356 tỷ đồng lên 660 tỷ vào năm 2022 (tính đến ngày 31/12/2022).
Doanh thu thuần của đơn vị này cũng ghi nhận mức trung bình trên 300 tỷ mỗi năm. Cụ thể, các năm từ 2019 đến 2021 doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Dược Bảo Châu lần lượt ở mức 350, 280 và 379 tỷ đồng. Trong năm tài chính 2022, tính đến ngày 31/12, doanh thu thuần của doanh nghiệp ghi nhận mức 376 tỷ đồng.
Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế của Dược Bảo Châu cũng luôn duy trì ở mức cao khi đạt hơn 70 tỷ đồng vào năm 2019 (chiếm 20% tổng doanh thu). Trong các năm 2020, 2021, doanh thu của doanh nghiệp cũng ở mức khá tốt khi lần lượt là 34 và 32 tỷ đồng (chiếm trung bình khoảng 10% doanh thu). Tính đến ngày 31/12/2022, lũy kế lãi ròng cả năm của doanh nghiệp chỉ ở mức 23,5 tỷ đồng, thấp nhất trong giai đoạn kể trên.
Tuy có “bức tranh” doanh thu – lợi nhuận khá tươi sáng nhưng điểm đáng lưu tâm trong hoạt động tài chính của Dược Bảo Châu là khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.
Cụ thể, trong giai đoạn 4 năm vừa qua, tổng số nợ của đơn vị này tuy không vượt vốn chủ sở hữu nhưng đa phần cơ cấu là nợ ngắn hạn. Cùng với đó, chỉ số về tiền và các khoản tương đương thấp, nguyên nhân là do lưu chuyển tiền tệ của doanh nghiệp liên tục âm qua các năm.
Trong năm tài chính 2019, tổng nợ của Dược Bảo Châu là 147 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn ở mức 131 tỷ đồng (chiếm gần 90%). Ngoài ra, trong các năm 2020, 2021, tình trạng trên không có nhiều thay đổi khi tổng nợ phải trả của doanh nghiệp có xu hướng tăng lần lượt là 191 tỷ đồng (nợ ngắn 158 tỷ đồng, chiếm 82%), 261 tỷ đồng (nợ ngắn 253 tỷ đồng, chiếm tới 98%).
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng nợ phải trả của Dược Bảo Châu giảm nhẹ xuống mức 239 tỷ đồng. Tuy nhiên, cơ cấu nợ vẫn đa phần là nợ ngắn hạn khi chiếm tới 226 tỷ đồng (tương đương chiếm khoảng 94%).
Đáng chú ý, chỉ số tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp này luôn duy trì khá thấp, chỉ ở mức không quá 7 tỷ đồng trong giai đoạn 4 năm (2019 – 31/12/2022).
Như vậy, hệ số thanh toán tức thời của doanh nghiệp trong các năm 2019, 2020, 2021 lần lượt là 0,01; 0,03; 0,01. Tính đến ngày 31/12/2022, chỉ số này của Dược Bảo Châu thậm chí giảm mạnh xuống mức 0,008.
Thông thường, hệ số thanh toán tức thời của một doanh nghiệp ở mức 0,1 cho thấy khả năng duy trì lượng tiền mặt để thanh toán tức thời các khoản vay nợ ngắn hạn ở mức bình thường.
Trong trường hợp của Dược Bảo Châu, việc hệ số xuống mức quá thấp phản ánh tình trạng doanh nghiệp không đảm bảo được lượng tiền để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, có thể mang đến nhiều rủi ro tài chính.
Tập đoàn Dược Bảo Châu (MST: 5100425051) có địa chỉ tại tổ 12, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, đại diện pháp luật là bà Nguyễn Lan Hương và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thuốc các loại - sản xuất hoá dược và dược liệu.
Theo giới thiệu từ Công ty, công ty được thành lập ngày 10/12/2014, tiền thân là CTCP XNK Dược Bảo Châu với gần 200 nhân viên, hơn 100 nhà phân phối lớn tại các tỉnh thành trên toàn quốc.
Tính tới 30/6/2022, cơ cấu cổ đông của Công ty bao gồm bà Trần Mỹ Hạnh, thành viên HĐQT sở hữu 38,8% vốn điều lệ; bà Nguyễn Lan Hương, Chủ tịch HĐQT sở hữu 8,6% vốn điều lệ; ông Trần Tuấn Khanh, Phó Tổng giám đốc sở hữu 5% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Ban, Thành viên HĐQT sở hữu 2,8% vốn điều lệ và còn lại 44,8% thuộc về các cổ đông.Thanh Phong
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nhieu-lan-len-san-hose-khong-thanh-tap-doan-duoc-bao-chau-dang-hoat-dong-ra-sao-a589005.html