Ngân hàng Bảo Việt (BaoViet Bank): Lãi tăng nhưng dòng tiền kinh doanh lại âm cả nghìn tỷ

Tính đến cuối năm 2022, dù lợi nhuận sau thuế tăng trưởng đạt hơn 70,5 tỷ đồng nhưng dòng tiền kinh doanh của Ngân hàng Bảo Việt đang âm 1.347 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoViet Bank) ghi nhận khoản lãi sau thuế đạt hơn 41,5 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ (28,2 tỷ đồng). Tính chung lũy kế cả năm 2022, Baoviet Bank lãi 70,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm liền kề trước đó.

Trong kỳ, thu lập lãi thuần đem về cho BaoVietBank 311,7 tỷ đồng; tăng gần 12%. Lãi từ hoạt động dịch vụ đạt 408 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh ngoại hối và mua bán chứng khoán đầu tư lần lượt lãi 21,3 tỷ đồng và 2,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 793 triệu đồng và 102,3 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh chỉ ghi nhận lãi 3,3 tỷ đồng, giảm mạnh 93,5% so với cùng kỳ (51,4 tỷ đồng). Luỹ kế cả năm 2022, BaoVietBank báo lãi sau thuế ở mức 70,5 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2021. Trong năm, nhà băng này cũng giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống chỉ còn 562,5 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản tại BaoViet Bank ghi nhận hơn 78.270 tỷ đồng, tăng 19,5% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng tăng trưởng tới 31,5% đạt 33.196 tỷ đồng. Số dư tiền gửi của ngân hàng tăng khiêm tốn hơn 11,6% đạt 41.385 tỷ đồng.

baovietbank-1679845036.jpg
Dòng tiền kinh doanh của ngân hàng Bảo Việt âm cả nghìn tỷ đồng trong năm 2022.

Đáng chú ý, dòng tiền tại BaoViet Bank hiện đang âm hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, tính đến hết năm 2022, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm hơn 1.347 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm hơn 34,1 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính âm hơn 195 triệu đồng. Do đó, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại BaoViet Bank âm hơn 1.381 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2022, BaoVietBank có dư nợ cho vay là 33.195 tỷ đồng, tăng 31,5% so với đầu năm. Tổng nợ xấu là 1.109 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) chiếm tỷ trọng lớn với 746 tỷ đồng; nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là 109 tỷ đồng, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là 254 tỷ đồng.

Với các chỉ số trên, tỷ lệ nợ xấu của BaoViet Bank hiện đang là 3,34% - vẫn còn cao so với mức quy định chung của ngành là 3%. Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, một ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức 3% thì sẽ bị giới hạn một số hoạt động như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu ngân hàng khác...

Ngoài ra, hạng mục chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành ghi nhận mức 7.300 tỷ đồng, tuy nhiên không được Ngân hàng này thuyết minh chi tiết trong báo cáo tài chính. Tính đến cuối năm 2022, Tập đoàn Bảo Việt hiện đang là cổ đông nắm 49,52% vốn điều lệ của Ngân hàng Bảo Việt.

Hiện tại, Ngân hàng Bảo Việt vẫn là một trong những nhà băng chưa niêm yết lên sàn chứng khoán. Đây cũng là vấn đề được giới đầu tư quan tâm, bởi theo đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ ban hành yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại cổ phần theo hướng đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức hoặc sàn UpCOM.

 

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/ngan-hang-bao-viet-baoviet-bank-lai-tang-nhung-dong-tien-kinh-doanh-lai-am-ca-nghin-ty-a589104.html