Bữa trưa với nhiều người là bữa ăn chính trong ngày, vì buổi trưa thường có nhiều thời gian nhất để dành cho hoạt động ăn uống. Tùy vào tính chất công việc, bữa trưa của mỗi người khác nhau. Với học sinh, đa phần ăn bán trú, với người già thì sẽ tự chuẩn bị bữa ăn theo sở thích, còn người lao động có nhiều lựa chọn hơn như ăn hàng quán, tranh thủ về nhà ăn hoặc mang cơm đi làm.
Thực tế, ngày càng nhiều người lao động tự mang cơm đi ăn trưa. TS.BS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho biết đây là điều đáng mừng và nguyên nhân dẫn đến xu hướng này cũng không có gì khó hiểu.
Thứ nhất, do nhận thức người dân về vấn đề an toàn thực phẩm đối với các quán ăn hè phố, hàng quán ngày càng được nâng cao. Họ lo lắng chất lượng món ăn không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc nếu xảy ra vấn đề an toàn thực phẩm.
Mang cơm đi làm ăn trưa là việc đáng khuyến khích, nhưng cần lựa chọn thực phẩm phù hợp. (Ảnh minh họa)
Thứ hai, có thể do kinh tế ngày càng khó khăn, việc mang cơm đi làm sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn so với ăn ngoài hàng quán. TS Từ Ngữ lấy ví dụ, một gia đình 4 người nấu cơm vào sáng sớm, ngoài có bữa sáng đầy đủ, no bụng họ còn có bữa trưa cho hai người lớn mang cơm đi làm. Như vậy ngoài tiết kiệm về kinh tế so với ăn hàng quán, họ còn được ăn đồ đảm bảo, chỉ có điều như vậy sẽ mất công hơn.
Thứ ba, hiện các dụng cụ chuyên dụng để mọi người mang cơm đi làm cũng rất hữu dụng và đa dạng, không phải như xưa dùng cơm nắm, muối vừng hay chiếc cặp lồng nhỏ, sáng mang cơm, đến trưa ăn nguội ngắt.
Tuy nhiên, TS Từ Ngữ cũng khuyên mọi người cần biết lựa chọn thực phẩm và quá trình ăn uống nên thực hành cho đúng để các món ăn không bị mất chất dinh dưỡng. Theo đó, hiện các cơ quan trang bị cho nhân viên cả lò nướng, vi sóng hoặc mọi người tự trang bị những thiết bị hâm nóng đồ ăn… Ông Ngữ cho biết điều này tưởng tốt nhưng nếu không chú ý sẽ làm mất dinh dưỡng của thực phẩm, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng món ăn.
“Với bất kể loại đồ ăn nào, khi đã nấu chín sau đó hâm lại chắc chắn về mặt dinh dưỡng sẽ bị hao hụt. Vì thế, mọi người nên chọn loại thực phẩm để ăn vào bữa trưa cho phù hợp và tránh hâm nóng để không bị hao hụt dinh dưỡng hoặc hao hụt ở mức thấp nhất”, TS Từ Ngữ cho hay.
Không phải loại thực phẩm nào cũng có thể hâm nóng lại vì có thể mất nhiều chất dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
Ông Ngữ tư vấn, với cơm, mọi người có thể hâm nóng lại để dễ ăn hơn. Với các loại rau, nhất là các loại rau lá và canh rau không nên hâm nóng lại, vì quá trình thái, rửa và nấu lần một đã mất đi rất nhiều vitamin, nếu tiếp tục hâm nóng sẽ còn lại rất ít chất dinh dưỡng.
Với các loại thực phẩm cung cấp chất béo và chất đạm, ví dụ như cá rán, trứng rán, thịt quay, thịt luộc, thịt gà thì không nên hâm nóng vì ngoài mất dinh dưỡng, chất lượng món ăn cũng không ngon, trở nên khô và rất bã. Tốt nhất nên ăn nguội cùng cơm nóng, vì đồ ăn vừa chế biến buổi sáng, được bảo quản trong hộp kín thì tới trưa chưa thể ôi thiu được.
Riêng với các đồ kho như thịt kho, trứng kho, cá kho có thể hâm nóng lại được. Bởi bản chất loại đồ ăn này nên ăn nóng, và nấu nhiều lần thì sẽ nhừ và dễ ăn hơn.
Cuối cùng, TS Từ Ngữ tư vấn việc ăn uống phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề như sở thích, điều kiện kinh tế, sự hiểu biết về dinh dưỡng, do vậy mỗi người sẽ có sự lựa chọn khác nhau về thực phẩm. Tuy nhiên, đứng dưới góc độ dinh dưỡng, với bất kể loại thực phẩm nào khi chế biến cũng cần nghĩ cách để vừa có món ăn ngon, vừa có thật nhiều dinh dưỡng là tốt nhất.
LÊ PHƯƠNG.