Người phụ nữ 70 tuổi sốc phản vệ nặng sau khi uống thuốc chống say xe
VTV News đưa tin, Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) vừa cấp cứu thành công cho nữ bệnh nhân 70 tuổi bị sốc phản vệ nặng sau khi uống thuốc chống say tàu xe. Gia đình kể, sau khi uống thuốc chống say xe dạng nước khoảng 5 phút, bệnh nhân xuất hiện khó thở, buồn nôn, nôn ra thức ăn, hoa mắt chóng mặt, nổi mày đay mẩn ngứa toàn thân.
Người bệnh được gia đình đưa vào bệnh viện cấp cứu. Theo bác sĩ CKI Hoàng Thanh Hà, khi tiếp nhận, người bệnh trong tình trạng huyết áp không đo được, tim loạn nhịp, kích thích, đại tiểu tiện không tự chủ, khó thở, thở rít, da niêm mạc tái nhợt. Đội ngũ y bác sĩ đã tiến hành hồi sức cấp cứu hơn 1 giờ thì bệnh nhân qua giai đoạn nguy kịch.
Được biết, phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính, có khả năng đe dọa đến tính mạng. Sốc có thể tiến triển trong vòng vài phút, bệnh nhân có thể co giật, không đáp ứng và tử vong. Trụy tim mạch có thể xảy ra mà không có triệu chứng hô hấp hoặc các triệu chứng khác.
Mức độ nặng nhẹ của tình trạng phản vệ phụ thuộc vào các yếu tố như tình trạng phản ứng dị ứng của mỗi người, số lượng chất dị ứng, tốc độ hấp thụ dị nguyên và thời gian chờ thực hiện điều trị cấp cứu. Người bị dị ứng có dấu hiệu phản vệ cần nhanh chóng được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để thực hiện các bước cấp cứu, giảm những nguy cơ gây biến chứng nặng nề.
Phẫu thuật nối lại cánh tay đứt rời cho người phụ nữ
Theo báo Sức Khỏe & Đời Sống, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An vừa thực hiện nói vi phẫu thành công trả lại cánh tay nguyên vẹn cho nữ bệnh nhân H.T.B (47 tuổi, trú tại xã Thuần Thiện, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) bị đứt rời do tai nạn lao động.
Bệnh nhân nhập viện lúc 15h30 ngày 23/3 trong tình trạng hôn mê, shock mất máu cấp, glasgow 9 điểm. Gia đình cho biết, vào 13h30 cùng ngày, trong lúc lao động, bệnh nhân bị máy cắt gạch cắt đứt rời 1/3 cánh tay phải.
Sau tai nạn, bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện huyện Can Lộc xử trí: giảm đau, truyền dịch, thắt cầm máu phần trung tâm bằng sợi chỉ chờ dài 7cm. Phần cánh tay đứt rời được làm sạch cho vào túi bóng có chứa đầy dung dịch Natri clorid 0,9%, đồng thời cho vào thùng xốp có đá lạnh để bảo quản.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Đa khoa Nghệ An tiến hành đặt nội khí quản, hồi sức chống sốc. Bên cạnh đó, kíp trực đã kích hoạt báo động đỏ, hội chẩn các khoa liên quan và quyết định phẫu thuật tối cấp cứu để nối cánh tay đứt rời.
TS.BS Nguyễn Đức Vương – Trưởng khoa Chấn thương – Chỉnh hình cho biết, nối chi thể đứt rời là một phẫu thuật cấp cứu tối khẩn cấp. Mọi công việc cần diễn ra nhanh chóng và đồng thời để tận dụng thời gian vàng nhằm cứu sống chi thể khi không còn được nuôi dưỡng bởi cơ thể.
Với trường hợp nói trên, khi tiếp nhận bệnh nhân là giờ thứ 3 trong tình trạng shock mất máu phải thở qua nội khí quản. Vì thế, các bác sĩ tiến hành hội chẩn ngay với các khoa liên quan đồng thời vừa hồi sức vừa chuyển phòng mổ.
"Để rút ngắn thời gian chết của chi thể, chúng tôi huy động 10 bác sĩ bao gồm ekip mạch máu vi phẫu, ekip chấn thương – chỉnh hình, ekip gây mê hồi sức, tiến hành cắt lọc tổ chức dập nát, kết hợp xương, ghép mạch máu, nối gân cơ, thần kinh, giải phóng khoang. Các bác sĩ phải chạy đua với thời gian để nối thành công cánh tay cho bệnh nhân", bác sĩ Vương nói.
Sau 5 tiếng chạy đua với thời gian, các bác sĩ phẫu thuật nối thành công cánh tay cho bệnh nhân. Hiện người bệnh được chuyển về khoa Chấn thương - chỉnh hình theo dõi trong tình trạng: tỉnh, gọi hỏi biết, glasgow 15 điểm. Vết mổ dịch thấm băng ít, mạch quay, mạch trụ bắt rõ, đàn hồi máu rõ, chi hồng ấm.
Cứu người đàn ông 59 tuổi bị nhồi máu cơ tim cấp
Các bác sĩ khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương vừa thực hiện can thiệp cấp cứu kịp thời nam bệnh nhân 59 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, hút thuốc lào nhiều năm, theo thông tin trên VietNamNet.
Người bệnh vào viện trong tình trạng đau ngực đột ngột dữ dội kèm buồn nôn, khó thở. Bệnh nhân được thực hiện điện tim. Nhận thấy có dấu hiệu bất thường, bác sĩ nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến Trung tâm Tim mạch Điện quang can thiệp với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp.
Các bác sĩ tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời chủ động, hút huyết khối sau đó thuận lợi đặt stent. Sau can thiệp, bệnh nhân đỡ đau ngực, toàn trạng ổn định, đã được chuyển về khoa Tim Mạch theo dõi và điều trị.
Theo chia sẻ của bác sĩ Vũ Huy Sơn – khoa Tim mạch Bệnh viện Hùng Vương, nếu cấp cứu chậm trễ, người bệnh nhồi máu cơ tim có thể tử vong bất cứ lúc nào. Trường hợp bệnh nhân 59 tuổi nói trên có tiền sử tăng mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá hàng ngày.
Người bệnh bị nhồi máu cơ tim cấp thường có các triệu chứng điển hình như đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức; khó thở; tim đập nhanh; đổ mồ hôi lạnh; xây xẩm, chóng mặt.
Một số bệnh nhân có triệu chứng như buồn nôn, khó tiêu, ợ chua, khó chịu hoặc đau dạ dày có thể đau lan lên cổ và cánh tay nên mọi người rất dễ nhầm lẫn với cơn đau dạ dày. Vậy nên, khi có những biểu hiện trên, người dân nên đến bệnh viện có chuyên khoa tim mạch để được kịp thời điều trị.
Đinh Kim (T/h)