Mỳ tôm có “chống chỉ định” với bữa sáng? Nhận định của chuyên gia dinh dưỡng khiến nhiều người bất ngờ

Trong suy nghĩ của nhiều người, mỳ tôm là đồ ăn không tốt, nhất là với bữa sáng, vậy điều này có thật sự chính xác và khoa học hay chỉ là quan điểm của mỗi người?

Khi nói đến bữa sáng, mỗi người sẽ có một quan điểm khác nhau. Với một số gia đình, bữa sáng là phải nấu một bữa cơm để các thành viên cùng ăn rồi ai làm việc nấy. Không ít người khác chỉ cần chiếc bánh mỳ, cốc sữa hoặc bát phở, nắm xôi cũng xong bữa sáng. Với mỳ tôm lại rất ít người dùng vào bữa sáng, bởi vì có suy nghĩ mặc định rằng ăn mỳ tôm không tốt, chưa nói đến đó bữa ăn đầu tiên trong ngày.

Vậy ăn sáng bằng mỳ tôm tốt hay không? TS.BS Trương Hồng Sơn - Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết mỳ tôm hay còn gọi là mỳ ăn liền chịu rất nhiều điều tiếng, nhưng đến nay chưa ai khẳng định ăn mỳ tôm sinh bệnh, hay không ai khuyên không nên ăn sáng bằng mỳ tôm. “Điều quan trọng nhất là ăn mỳ tôm làm sao cho hợp lý và khoa học để tốt cho sức khỏe. Bởi thực phẩm, đồ ăn nào nếu ăn quá nhiều cũng không hề tốt”, bác sĩ Sơn chia sẻ.

Bác sĩ Sơn cho biết với bữa sáng hoàn toàn có thể ăn mỳ tôm, nhưng không nên ăn liên tục cả tuần, cả tháng mà nên đổi bữa. “Nếu một tuần ăn 1-2 lần hoặc một tháng ăn 3-4 lần vào bữa sáng, tôi khẳng định sẽ không có vấn đề gì”, bác sĩ Sơn nói.

Bác sĩ Sơn khuyến cáo, chỉ ăn mỳ tôm không mà không kết hợp các thực phẩm khác là không nên. (Ảnh minh họa) 

Tùy vào điều kiện kinh tế mỗi người, có thể ăn mỳ tôm chỉ pha với nước sôi, hoặc cho thêm những thực phẩm khác. Tuy nhiên, xét về mặt khoa học, bác sĩ Sơn khuyên khi ăn mỳ tôm vẫn nên cho thêm rau và một số thực phẩm cung cấp protein ở mức độ phù hợp, nhất là trong bữa sáng.

Bác sĩ Sơn lấy ví dụ khi ăn mỳ tôm có thể chủ động thêm chất đạm từ thịt, cá, tôm, mực, trứng một cách hợp lý, không nên cho quá nhiều. Bởi nếu cho quá nhiều sẽ vô tình biến mỳ gói thành một món gây tăng cân bất ngờ.

Ngoài ra, cần cung cấp lượng rau xanh phù hợp nhằm cung cấp vitamin và khoáng chất, giúp dễ tiêu hóa hơn. Ví dụ như thêm vào món mỳ xào một ít cải thìa, giá đỗ, thêm vào món mỳ tôm chua cay một ít cà chua, rau sống… Trong trường hợp không có rau củ gì bổ sung vào món ăn thì ta sẽ chọn cách bổ sung khác, gọi là bổ sung trong ngày, ví dụ như ăn thêm trái cây, sữa... vào bữa phụ, để đảm bảo tổng lượng dinh dưỡng trong ngày cân đối.

“Với cách bổ sung như vậy, bữa sáng khá hoàn hảo với lượng đường bột đến từ mỳ tôm, vitamin và khoáng chất đến từ các loại rau củ quả, chất đạm đến từ thịt, tôm, cá, trứng. Riêng chất béo không cần bổ sung thêm vì trong mỳ tôm đã có một hàm lượng nhất định”, bác sĩ Sơn chia sẻ.

Các chuyên gia nhận định, ăn mỳ tôm kết hợp thêm chất đạm và một số loại rau, củ, quả là khoa học và hợp lý. 

Cùng quan điểm trên, TS.BS Từ Ngữ - Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết mỳ tôm bản chất không xấu, chỉ những người lạm dụng hoặc ăn không đúng cách mới gây hại cho sức khỏe. “Không ai khuyến cáo không nên ăn mỳ tôm vào buổi sáng, bản thân tôi vẫn ăn mỳ tôm cân vào bữa sáng. Các bữa ăn mỳ, tôi luôn thêm ít thịt băm hoặc quả trứng, kèm với đó là rau cải hoặc chút giá đỗ.

Tất nhiên không phải ngày nào tôi cũng ăn mỳ tôm như vậy, tuần chỉ ăn 1-2 lần, còn lại có thể ăn cơm, ăn xôi hoặc nấu bát bún… là xong bữa sáng, không cần cầu kỳ”, TS Từ Ngữ cho hay.

Cuối cùng các chuyên gia đều chung nhận định, bản thân các loại thực phẩm nói chung, mỳ ăn liền nói riêng không phải là nguyên nhân khó tiêu nếu như ta ăn vừa đủ, nhai kỹ, kết hợp trong bữa ăn đủ các nhóm chất. Do vậy, mọi người có thể thưởng thức mì ăn liền vào bữa sáng và nhớ thêm “sắc màu” với thịt, tôm cá, rau củ vào tô mỳ của mình.

LÊ PHƯƠNG.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/my-tom-co-chong-chi-dinh-voi-bua-sang-nhan-dinh-cua-chuyen-gia-dinh-duong-khien-nhieu-nguoi-bat-ngo-a589333.html