Hậu kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của CTCP Thép tấm lá Thống Nhất (TNS) giảm sâu 28,5%, xuống chỉ còn 263 triệu đồng. Đồng thời, cơ cấu vay nợ, khả năng thanh toán của doanh nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro.
Theo BCTC kiểm toán mới công bố, lãi ròng của TNS giảm chỉ còn vẻn vẹn 263 triệu đồng so với báo cáo tự lập. Ngoài ra, kiểm toán tỏ ra nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của TNS khi có nhiều dấu hiệu không chắc chắn trong báo cáo cho năm tài chính kết thúc 31/12/2022.
Trong năm tài chính 2022, TNS ghi nhận tổng tài sản đạt 343 tỷ đồng, giảm 36 tỷ đồng so với cùng kỳ. Chỉ số này cũng thấp nhất trong giai đoạn 5 năm qua (2018 – 2022).
Thậm chí, so với năm 2018, tổng tài sản của TNS đã giảm tới gần 50%. Tuy nhiên, điểm chung về cơ cấu tài sản của doanh nghiệp trong giai đoạn nói trên là số nợ luôn vượt vốn chủ sở hữu nhiều lần. Đặc biệt, đa phần trong đó, số nợ ngắn hạn chiếm tỷ lệ lớn.
Khả năng duy trì tiền và các khoản tương đương của TNS liên tục ở mức thấp dẫn tới khả năng thanh toán tức thời không tốt. Điển hình trong năm tài chính 2022, tổng số nợ của TNS ở mức 307 tỷ đồng, trong đó, gần 80% là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ bằng khoảng 1/8 tổng nợ.
Cùng với đó, tiền và các khoản tương đương của doanh nghiệp chỉ ở mức 23 tỷ đồng. Điều này dẫn tới, hệ số thanh toán tức thời của TNS là 0,09, cho thấy khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn của doanh nghiệp không tốt.
So sánh với các năm trước, tình trạng này không mới đối với Thép Thống Nhất. Cụ thể, trong năm tài chính 2018, tổng nợ của TNS vượt vốn chủ sở hữu tới hơn 25 lần ở mức 605 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng nguồn vốn, tài sản của doanh nghiệp đa phần được tài trợ bằng nguồn đi vay.
Nợ ngắn hạn của TNS trong năm này cũng ở mức khá cao lên tới 470 tỷ đồng, trong khi tiền và các khoản tương đương chỉ hơn 11 tỷ đồng. Hệ số thanh toán tức thời của doanh nghiệp trong năm tài chính là 0,02.
Năm 2019, tổng nợ phải trả của TNS giảm mạnh hơn 30% xuống mức 394 tỷ đồng. Tuy nhiên, đa phần trong đó vẫn là nợ ngắn hạn chiếm tới 310 tỷ đồng, tiền và các khoản tương đương tăng nhẹ lên 17 tỷ đồng. Hệ số thanh toán tức thời vẫn khá thấp chỉ đạt 0,05.
Bước sang năm tài chính 2020, tổng nợ của Thép Thống Nhất không có nhiều thay đổi, vẫn duy trì ở mức khoảng hơn 394 tỷ đồng, nợ ngắn hạn lên 314 tỷ đồng.
Khả năng duy trì tiền mặt trong năm này ghi nhận mức giảm khoảng hơn 5 tỷ đồng, chỉ còn 11 tỷ đồng. Qua đó, hệ số thanh toán nhanh giảm xuống còn 0,03. Trong giai đoạn 5 năm gần đây, chỉ có năm 2021, hệ số thanh toán tức thời của TNS được cải thiện khi đạt mức “an toàn” ở 0,1.
Về tình hình kinh doanh, tương tự các doanh nghiệp cùng ngành thép, những năm gần được đánh giá là thời kỳ “hoàng kim” của TNS khi nhiều năm doanh thu đạt trên 1 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, trừ 2 năm 2020 và 2022, doanh thu thuần của TNS đạt lần lượt 877 và 624 tỷ đồng. Các năm còn lại trong giai đoạn 5 năm qua, doanh thu của Thép Thống Nhất đều đạt trên 1 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, đáng chú ý, trong 2 năm tài chính 2018 và 2019, lợi nhuận sau thuế của TNS liên tiếp ghi nhận mức âm lần lượt 19 triệu đồng và hơn 30 tỷ đồng. Giai đoạn 2 năm 2020 và 2021, doanh nghiệp có lãi ròng 9,7 và 31,9 tỷ đồng.
Thanh Phong