Trường hợp của lương y Phạm Cao Sơn là một trong số đó. Ông Sơn cho biết: “Các trang giả mạo lợi dụng hình ảnh của tôi và đức cha Phê Rô Nguyễn Văn Đệ - Giám mục giáo phận Thái Bình để tạo lòng tín nhiệm nhằm bán thuốc giả, trục lợi cá nhân. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của tôi và đức cha, mà còn ảnh hưởng lớn tới uy tín đạo công giáo, từ đó có thể làm lung lay lòng tin của giáo dân.”
Chỉ cần gõ từ khóa “Cha Giuse Phạm Cao Sơn” trên thanh tìm kiếm của facebook, chúng ta có thể thấy tràn lan các fanpage và hội nhóm giả mạo. Những nhóm này đặt tên “bắt tai” như Cha Giuse Phạm Cao Sơn - Điều trị u tuyến giáp, bướu cổ; Cha Giuse Phạm Cao Sơn - Đặc trị u lành, u ác;... nhằm đánh trúng vào tâm lý mong mỏi tìm thuốc chữa bệnh của mọi người. Đặc biệt, đối với những người đang bị ung thư, luôn có suy nghĩ “có bệnh thì vái tứ phương” nên sẽ dễ dàng nóng vội, nhẹ dạ mà tin tưởng ngay các đối tượng này.
Họ thực hiện cắt ghép video từ kênh truyền hình VTC14, kênh Hà Nội H1 và H2 cùng một số nguồn kênh khác có hình ảnh lương y Phạm Cao Sơn và Đức cha Phê Rô Nguyễn Văn Đệ cùng các bệnh nhân. Với mục đích làm tăng sự tin tưởng, đồng thời ghim số điện thoại trên màn hình vô cùng nổi bật để quảng cáo, gọi mời các bệnh nhân nhẹ dạ cả tin. Đáng nói, mỗi trang fanpage sẽ hiển thị các số điện thoại khác nhau. Đây đều là các số sim rác được các trang giả mạo này sử dụng để chào mời mua thuốc.
Đây không phải lần đầu xuất hiện tình trạng các trang mạng sử dụng hình ảnh của lương y Phạm Cao Sơn để kinh doanh trục lợi, nên trước tình hình đó, ông Sơn đã từng đính chính thông tin trên kênh VTC14 rằng bản thân không quảng cáo bất kỳ sản phẩm nào trên mạng.
Lương y Phạm Cao Sơn cho biết: “Tôi rất bức xúc vì các trang giả danh tự xưng là Linh mục hoặc Cha Guise Phạm Cao Sơn, tức là họ gắn cho tôi tội mạo danh chức sắc công giáo. Điều mà người công giáo không bao giờ làm. Tôi lại là tân tòng, đại diện cho một gia đình 18 người trở lại đạo, nên tôi càng phải giữ gìn danh tiếng đức tin.
Có những trường hợp, các bệnh nhân liên hệ với tôi để mua thuốc, nhưng tôi đã luôn xác nhận rằng, tôi đang tạm ngưng làm thuốc từ 2 năm nay bởi sức khỏe tuổi già yếu, tôi cần thời gian để ổn định sức khỏe, thêm vào đó, tôi cũng đang cố gắng củng cố bài thuốc tốt hơn, và đang đợi có nguồn dược liệu dồi dào hơn bởi những năm covid diễn ra bị cấm biên nên nguồn dược cũng chưa được đảm bảo. Vì vậy, trong thời điểm này, tôi xin đính chính rằng, tôi không tham gia quảng cáo hay bán bất kỳ sản phẩm nào trên mạng.
"Tôi chỉ có 2 số điện thoại duy nhất: 0985.014.859 và 0246.2928.048. Địa chỉ duy nhất: số 8, ngách 2, ngõ 15, Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Còn lại tất cả các số điện thoại và địa chỉ khác đều là giả mạo tôi.”
Theo T.S Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Đoàn kết công giáo TP. Hà Nội; phó Viện trưởng Viện Trí Việt cho biết: “Hiện nay, nhiều trang giả mạo các giám mục, linh mục, giáo dân,...nhằm lợi dụng uy tín của họ với mục đích để bán hàng, kinh doanh thuốc giả hoặc lừa đảo kêu gọi giúp đỡ,... Các trang đó lợi dụng tín ngưỡng của những người thuộc công giáo, đó là người công giáo sẽ không bao giờ lừa dối. Họ luôn coi trọng sự thật chân lý và có tình yêu thương đồng loại. Vì vậy, các trang giả mạo đã nắm bắt được điều đó để giả mạo hình ảnh, lừa đảo những người thiếu hiểu biết. Như trường hợp của lương y Phạm Cao Sơn, tôi là người biết rất rõ về ông và hiện nay, ông Sơn đang bị một số trang giả mạo thương hiệu để bán thuốc giả. Điều này, làm ảnh hưởng tới uy tín của cá nhân ông Sơn và rộng hơn và những người thuộc công giáo.”
Trao đổi cùng Luật sư Nguyễn Thành Vinh, Công ty luật Nam Anh Interlegal làm rõ về quy định pháp luật đối với những trường hợp giả mạo hình ảnh người khác để kinh doanh sản phẩm thuốc giả, ông cho biết:
“Trường hợp cá nhân hoặc nhóm người được các cơ quan chức năng xác định đã có thủ đoạn, hành vi gian dối thông qua việc mạo danh tên tuổi, hình ảnh, uy tín của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản (chiếm đoạt tiền của những người bệnh) thì có dấu hiệu phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, điều luật có quy định khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Bên cạnh đó, nếu các cơ quan có thẩm quyền kết luận loại thuốc được bán cho người bệnh là thuốc giả thì cá nhân, nhóm người này hoàn toàn có đầy đủ dấu hiệu phạm thêm Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự, do đã xâm hại đến khách thể khác là sức khỏe, tính mạng của con người, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế được pháp luật bảo vệ.”
Những người đã mua sản phẩm thuốc dởm từ các đối tượng xấu giả danh lương y Sơn nên đến cơ quan công an gần nhất, khai báo thông tin cụ thể để cơ quan có thẩm quyền truy tố trước pháp luật. Đồng thời, có thể lấy lại số tiền đã bị lừa và đưa số lượng thuốc dởm cho cơ quan pháp luật, tạo cơ sở truy tố các đối tượng lừa đảo. Điều này, góp phần bảo vệ an toàn cho chính mình cũng như những người khác tránh khỏi các trường hợp lừa đảo đó và đồng thời bảo vệ Đạo Công giáo trước những kẻ xấu âm mưu phá hoại sự đoàn kết, danh dự, uy tín của những người thuộc Công giáo.
Như vậy, mỗi người cần trang bị cho mình đầy đủ kiến thức hiểu biết, nâng cao cảnh giác để phân biệt rõ thật - giả để biết cách bảo vệ bản thân trước những chiêu trò, biến tướng lừa đảo hiện nay.