Nàng dâu chăm lo cho nhà chồng nhiều năm, đến khi bố mẹ chồng mất đột nhiên sinh bệnh, chồng sốc khi biết lý do

Người vợ chịu khổ chăm sóc gia đình chồng nhưng ngày nào cũng bị chỉ trích. Khi kêu than với chồng lại chỉ nhận được câu nói “Cứ mặc kệ họ đi!". Đến khi bố mẹ chồng mất, vợ mắc bệnh trầm cảm, đi khám mới biết nguyên nhân.

Mối quan hệ giữa nàng dâu và gia đình chồng là đề tài muôn thuở. Những câu chuyện về việc mẹ chồng khắt khe với con dâu hay con dâu bị trầm cảm vì gia đình chồng cũng xảy ra không ít. Một trong những lý do khiến mối quan hệ này trở nên ngày càng xấu, một phần là do sự thờ ơ của người chồng - người lẽ ra phải làm trung gian hàn gắn hai bên lại vô tâm, khiến cho mẹ chồng - nàng dâu ngày càng khó chịu với nhau.

Bác sĩ Zhou Bohan từ Khoa Tâm lý học của Bệnh viện Trực thuộc Tân Trúc thuộc Đại học Y khoa Trung Quốc đã chia sẻ một trường hợp thực tế. Vì người chồng làm ăn xa, cô con dâu phải sống chung với bố mẹ chồng và các em chồng ở Đài Loan. Mặc dù hàng ngày đều hết lòng chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ chồng, chăm lo chuyện nhà cửa nhưng mọi nỗ lực của cô đều không được mọi người biết ơn và đối xử tử tế. Nhà chồng không chỉ khắt khe với cô mà còn hay chỉ trích, chê bai cô không biết làm việc nhà nhưng họ lại cũng chẳng bao giờ giúp đỡ khiến cô cảm thấy vô cùng áp lực và luôn sống trong cảnh sợ hãi mỗi ngày.

Con dâu thường bị bố mẹ chồng chỉ trích, khi tâm sự với chồng lại không nhận được sự động viên. (Ảnh: Bệnh viện trực thuộc Tân Trúc của Đại học Y khoa Trung Quốc)

Hầu như đêm nào, người phụ nữ cũng gặp ác mộng và cảm thấy sống còn khổ hơn chết nên đã tâm sự với chồng mong nhận được sự chia sẻ, an ủi. Không ngờ khi nghe xong, người chồng chỉ nói một câu: “Cứ mặc kệ họ đi!".

Nhưng tất nhiên người vợ không thể sống như chồng nói. Mọi người cùng chung sống dưới một mái nhà, cho dù cố tình không muốn quan tâm nhưng cũng không tránh khỏi việc chạm mặt, sinh hoạt chung. Hơn nữa với vai trò là con dâu trong nhà, cô cũng không thể bỏ mặc bố mẹ chồng mà không quan tâm. Do đó, căng thẳng cứ ngày càng dồn nén thành một nỗi sợ trong lòng, lâu dần trở thành bóng đen tâm lý với người con dâu.

Dù đã nhiều lần nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng vì không muốn con thiếu vắng cha nên người vợ vẫn nhẫn nhịn chịu đựng. Cuối cùng, khi bố mẹ chồng qua đời, con đã lớn, chồng về Đài Loan sống cùng, lúc này người vợ mới đột nhiên phát bệnh trầm cảm.

Thì ra, vừa nhìn thấy chồng, sẽ nhớ lại lời nói lạnh lùng của anh khi trước và cảnh tượng bị bố mẹ chồng bạo hành tâm lý suốt bao nhiêu năm, cũng như những lời nói tổn thương mà cô không thể gạt bỏ được. Khi nghĩ đến điều đó, người vợ đột nhiên tức giận, hoảng sợ, muốn tự tử và thậm chí mắng chồng.

Người chồng không hiểu tại sao vợ cứ nhắc lại chuyện cũ mấy chục năm trước, không phải mọi thứ đã qua rồi sao. Anh thậm chí còn giận dữ trách vợ: "Bao nhiêu năm không kêu sao giờ mới kêu. Chuyện qua rồi mà cứ thích nhắc lại".

Những chuyện đó với người khác quả thực đã là dĩ vãng, nhưng với người con dâu bị bạo hành thì đó là nỗi đau cả đời không thể xóa nhòa. Người vợ sau đó cũng đã đi tư vấn tâm lý nhưng không hiệu quả. Đến khi cô đến phòng khám của bác sĩ Zhou Bohan để điều trị ngoại trú, sau khi kết hợp thuốc, kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS) và tư vấn tâm lý cá nhân, các triệu chứng mới được cải thiện.

Sau khi bố mẹ chồng mất, chồng trở về cùng chung sống, người vợ đột nhiên có biểu hiện như trầm cảm. (Ảnh: Bệnh viện trực thuộc Hsinchu của Đại học Y khoa Trung Quốc)

Bác sĩ Zhou Bohan cho biết, các triệu chứng của người vợ là hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD) đề cập đến bệnh tâm thần xảy ra sau khi con người trải qua những sự kiện đau buồn như tình cảm, chiến tranh, tai nạn giao thông, thiên tai và thảm họa.

PTSD có bốn triệu chứng cốt lõi: Đầu tiên là trải nghiệm lại chấn thương: Ngay cả khi thời gian đã trôi qua, bạn sẽ tiếp tục nhớ lại và cảm thấy rằng bạn đang ở trong hoàn cảnh đó; Thứ hai là sự cảnh giác cao độ: lo lắng kéo dài, hoảng sợ, dễ cáu kỉnh hoặc trầm cảm; Thứ ba là né tránh: người và vật liên quan đến sự kiện đau buồn sẽ bị tránh xa; Thứ tư là liên quan đến nhận thức và cảm xúc tiêu cực: khi nhớ lại những ký ức đau buồn trong quá khứ sẽ kích hoạt phản ứng cảm xúc mạnh mẽ.

Bác sĩ Zhou Bohan, từng làm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu PTSD Harvard (Mỹ) chỉ ra rằng tỷ lệ phổ biến của PTSD là 8%. Khác với người bị trầm cảm, bệnh nhân PTSD bình thường có thể có cảm xúc bình thường và ổn định, nhưng khi nhớ lại những tổn thương trong quá khứ, họ sẽ rơi vào trầm cảm và cuồng loạn kéo dài vài tuần.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế (Tạp chí Nghiên cứu Tâm thần) của Đại học Y học cổ truyền Trung Quốc và Trung tâm Tâm thần kinh Nhật Bản, khi bệnh nhân PTSD trải qua chấn thương tái phát, nguy cơ tự tử hoặc bạo lực cũng tăng lên.

Bác sĩ Zhou Bohan nhấn mạnh tổn thương tâm lý do vấn đề mẹ chồng nàng dâu gây ra không thua gì chiến tranh, thiên tai, thảm họa do con người gây ra. Ông cũng cho biết vấn đề phổ biến nhất mà những cô con dâu bị bạo hành tâm lý gặp phải là những người xung quanh họ, chẳng hạn như chồng và con cái, không thể hiểu được tại sao họ cứ nhắc lại chuyện cũ và những người xung quanh sẽ thuyết phục bệnh nhân nên buông bỏ quá khứ. Họ không hiểu rằng vấn đề thực sự nằm ở trong não.

Bác sĩ Zhou Bohan nói thêm rằng rối loạn não chính của hội chứng PTSD nằm ở hạch hạnh nhân, nơi chịu trách nhiệm lưu trữ trải nghiệm sợ hãi và đau buồn. Vì bệnh nhân PTSD đã trải qua trải nghiệm sống còn tệ hơn chết nên hạch hạnh nhân bị kích hoạt quá mức, lâu ngày khiến cơ thể sinh ra các triệu chứng như cảnh giác cao, sợ hãi, thở gấp, ác mộng,... Do đó khi người bệnh lên cơn sẽ đột ngột mất kiểm soát về thể chất và điều kiện tinh thần.

Phương án điều trị hội chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn có thể sử dụng thuốc hoặc áp dụng điều trị tâm lý hoặc cả hai nếu cần thiết:

Sử dụng thuốc: Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng một vài loại thuốc có tác dụng chống trầm cảm để điều trị hội chứng này. Đồng thời, thuốc cũng có tác dụng kiểm soát được cảm xúc và những triệu chứng điển hình của bệnh. Một vài loại thuốc điều trị huyết áp cũng được sử dụng nhằm kiểm soát các triệu chứng có liên quan. Bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh sử dụng các loại thuốc an thần vì theo nghiên cứu chúng không có tác dụng đối với căn bệnh này. Nếu sử dụng lâu dài có thể sẽ bị lệ thuộc vô cùng nguy hiểm. 

Điều trị tâm lý: Phương pháp này sẽ giúp người bệnh có thể cải thiện được các kỹ năng sống để đối mặt tốt hơn với những triệu chứng của bệnh. Phương pháp trị liệu tâm lý cũng sẽ giúp cho người bệnh và gia đình về các rối loạn tâm lý và giúp họ vượt qua những sự kiện đau thương này. Tùy vào tình trạng của bệnh nhân mà các phương pháp trị liệu tâm lý cũng sẽ được chỉ định khác nhau. 

Điều quan trọng nhất là phải chủ động phòng ngừa hội chứng PTSD cho chị em phụ nữ làm dâu. Bác sĩ Zhou Bohan đưa ra 4 gợi ý:

- Khi vợ gặp phải sự đối xử bất công trong gia đình, người chồng phải bày tỏ sự ủng hộ với vợ thay vì chỉ yêu cầu vợ ngoảnh mặt làm ngơ.

- Khi người vợ cảm thấy khó thở, hãy kịp thời về nhà mẹ đẻ để thân tâm được nghỉ ngơi, thư giãn.

- Người phụ nữ phải dành thời gian cho bản thân thay vì dành hết cho gia đình.

- Nếu PTSD đã xảy ra, nên tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia, thông thường nên điều trị bằng thuốc kết hợp với liệu pháp tâm lý, nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả và kết hợp trầm cảm, có thể kết hợp điều trị bằng rTMS.

HOÀNG DƯƠNG

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nang-dau-cham-lo-cho-nha-chong-nhieu-nam-den-khi-bo-me-chong-mat-dot-nhien-sinh-benh-chong-soc-khi-biet-ly-do-a589720.html