Một người phụ nữ từng "đè đầu cưỡi cổ" Từ Hi Thái hậu, khiến bà cũng phải cung kính là ai?

Từng là 2 người phụ nữ nhiếp chính trong lịch sử nhà Thanh, mối quan hệ giữa Từ Hi và Từ An Thái hậu vẫn luôn đặt ra nhiều dấu hỏi lớn cho hậu thế.

Từ Hi Thái hậu và Từ An Thái hậu đều là 2 người phụ nữ vô cùng nổi tiếng trong thời nhà Thanh của Trung Quốc. Trước tiên, hãy nói về Từ An Thái hậu. Bà xuất thân từ dòng họ Nữu Hỗ Lộc thị, thuộc Mãn Châu Tương Hoàng kỳ. Gia thế không phải quá khủng nhưng bà vẫn là con nhà quan viên, chuyện cơm ăn, áo mặc, học hành không có gì phải lo lắng. Gia cảnh như vậy nên ngay từ nhỏ Từ An đã được giáo dục rất tốt.

Khi Từ An nhập cung, bà đã được Hàm Phong đế đặc biệt ưu ái, phong thẳng lên tước Tần, đây là điều xưa nay hiếm. 5 tháng sau, Từ An tiếp tục được phong lên làm Quý phi, điều mà những phi thần bình thường trong hậu cung không thể tưởng tượng được. Đến tháng 10 cùng năm, bà được tấn phong Hoàng hậu Đại Thanh. Điều này đủ cho thấy vẻ đẹp và sự lanh lợi của nữ nhân này lúc bấy giờ.

Tranh vẽ Từ An Thái hậu

Từ Hi nhập cung muộn hơn Từ An vài năm và xuất thân cũng thua kém đàn chị vài phần. Thời điểm này, Từ An đã nhận được sự sủng ái của Hàm Phong Đế một thời gian dài.

Tuy thân phận thấp kém và là người đi sau nhưng Từ Hi lại có sự mưu trí, dũng khí mà Từ An không có được. Bà biết nắm bắt cơ hội và sinh ra người nối dõi cho Hàm Phong đế. Mẹ quý nhờ con, Từ Hi nhanh chóng được phong lên Quý phi. Tuy nhiên, dù so về danh tính hay địa vị, Từ Hi vẫn kém xa so với Từ An.

Về sau, khi Đồng Trị lên ngôi hoàng đế, Từ An và Từ Hi đều trở thành Thái hậu. Trong đó, Từ An ở Đông cung (gọi là Đông Thái hậu) còn Từ Hi ở Tây cung (gọi là Tây Thái hậu). Trong thời kỳ đầu của 2 cung, một loạt các chính sách trung ương của nhà Thanh tương đối phù hợp và hiệu quả. Từ An đức cao vọng trọng, có uy tín lớn, gắn kết được quan lại và người dân. Từ Hi vượt trội về tài năng, có thể xử lý mọi công việc triều chính một cách bình tĩnh. Trong mắt người dân lúc bấy giờ, Từ An khôn ngoan, Từ Hi nhạy cảm. Hai thái hậu đã cùng nhau nhiếp chính hiệu quả.

Tranh vẽ Từ Hi Thái hậu

Bên ngoài, Từ Hi vẫn luôn kính trọng Từ An, nghe theo mọi sự sắp xếp của Đông cung. Hai người cùng nhau phối hợp để đối phó với việc triều chính được hơn 10 năm. Dẫu vậy, trong lòng Từ Hi vẫn luôn ghen tị với Từ An và luôn bị người phụ nữ này lấn át. Tuy nhiên, Tây cung chỉ dám chôn chặt tình cảm này trong lòng, bề ngoài lúc nào cũng tỏ ra cung kính.

Khi vua Đồng Trị đến tuổi kết hôn, Từ Hi muốn chọn Phú Sát thị nhưng Từ An lại nhắm A Lỗ Đặc thị cho hoàng đế. Cuối cùng, Đồng Trị đế chọn A Lỗ Đặc thị theo ý Đông Cung và điều này như cái gai trong lòng Từ Hi. 

Chưa dừng lại ở đó, sau này Đồng Trị đế còn cấu kết với Từ An Thái hậu để giết chết thái giám An Đức Hải, thân tín của Từ Hi. Việc con trai cùng người ngoài đối đầu với mình khiến Từ Hi hận thù chồng chất. 

Tuy nhiên, đến năm Quang Tự thứ 7, Từ An thái hậu đột ngột qua đời tại Chung Túy cung khi mới 44 tuổi. Điều này khiến các triều thần vô cùng kinh ngạc, nảy sinh nghi ngờ.

Mặc dù có những khác biệt và mâu thuẫn nhưng Từ Hi và Từ An vẫn có quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và Tây cung luôn tôn trọng Đông cung. Cái chết của Từ An đã tạo cơ hội để Từ Hi trở thành người cầm quyền. 

Nhiều người cho rằng Từ An đã bị Từ Hi đầu độc. Tuy nhiên, sử sách ghi chép cho thấy Từ An Thái hậu sức khỏe luôn kém, đã bị ốm nặng trước khi qua đời. Đến tận ngày nay, người ta vẫn chưa tìm thấy bằng chứng trực tiếp nào cho thấy Từ An bị Từ Hi hãm hại.

Hơn nữa, vào thời điểm đó thực quyền trong triều đều nằm trong tay Từ An, Tăng Quốc Phiên và Lý Hồng Chương. Các quan lại đứng đầu khác cũng đều là người của Từ An thì Từ Hi không có dũng khí để xuống tay. Mặc dù từng bị "đè đầu cưới cổ" như vậy nhưng Từ Hi Thái hậu sau này lại trở thành kẻ chiến thắng.

BẢO LINH

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/mot-nguoi-phu-nu-tung-de-dau-cuoi-co-tu-hi-thai-hau-khien-ba-cung-phai-cung-kinh-la-ai-a589852.html