Theo đánh giá của SSI Research, nhu cầu có thể tiếp tục suy yếu ở cả kênh xuất khẩu và nội địa, nhưng có khả năng phục hồi vào cuối năm. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép dự kiến sẽ phục hồi 1% lên 1,8 tỷ tấn vào năm 2023, sau khi giảm 2,3% trong năm 2022.
Nhu cầu ở cả thị trường Mỹ và Châu Âu dự kiến sẽ giảm trong năm tới do suy thoái kinh tế. Nhu cầu tại thị trường ASEAN dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2023, sau khi tăng trưởng 4-6% trong năm 2022.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang các đối tác thương mại lâu năm vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng công suất trong những năm gần đây ở các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia, và Philippines. Theo đó, SSI dự báo xuất khẩu thép thành phẩm có thể giảm hơn 10% so với cùng kỳ trong năm 2023.
Giá thép và nguyên liệu thô ổn định hơn có thể giúp ổn định lợi nhuận của các công ty thép trong năm 2023. Tuy nhiên, nhu cầu yếu có thể dẫn đến hiệu suất sử dụng thấp, chỉ ở mức 60-75% (so với trên 80% trong năm 2022 và hơn 90% trong năm 2021), điều này sẽ gây áp lực lên doanh thu, dòng tiền và tỉ suất lợi nhuận của công ty trong năm tới.
Ngoài ra, khoảng cách giá giữa Việt Nam và các thị trường khác ngày càng thu hẹp sẽ khiến tỉ suất lợi nhuận xuất khẩu kém hấp dẫn hơn so với giai đoạn 2020-2021.
Với CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), SSI đánh giá doanh nghiệp này vẫn có thể ghi nhận lỗ trong quý I/2023, so với mức lợi nhuận dương 8.200 tỷ đồng trong quý I/2022, do công suất hoạt động tiếp tục giảm trong bối cảnh nhu cầu yếu.
Tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng, HRC và phôi thép của HPG giảm 37% xuống còn 1,37 triệu tấn trong quý I/2023, tương đương với mức công suất hoạt động là 65% so với 100% trong quý I/2022 và 70% trong quý IV/2022. Tuy nhiên, mức lỗ có thể ít hơn nhiều so với mức lỗ của hai quý liền trước nhờ sự hồi phục của giá thép.
Do thị trường chung đang diễn biến kém khả quan, SSI Research cũng điều chỉnh giảm 5,5% ước tính doanh thu cho quý I/2023 của HPG xuống 41.634 tỷ đồng, đồng thời lợi nhuận ròng của công ty dự kiến giảm xuống mức thấp là 2.010 tỷ đồng, giảm 75,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Còn CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG), theo ước tính của ban lãnh đạo, lợi nhuận của HSG đã có sự hồi phục khả quan kể từ tháng 2 và có thể đạt 50 tỷ đồng trong quý II niên độ tài chính năm 2023 nhờ giá thép phục hồi. Tuy nhiên, so với kết quả trong quý II niên độ tài chính năm 2022, mức lợi nhuận trong quý vừa qua vẫn có thể giảm hơn 70%.
Theo đó, dự báo HSG sẽ đạt doanh thu 11.565 tỷ đồng giảm 31,7% so với cùng kỳ vào năm 2022, tuy nhiên lợi nhuận ròng công ty dự kiến tăng nhẹ 4,8% so với quý I năm trước khoảng 607 tỷ đồng.
Hệ số P/B năm 2023 của cả hai cổ phiếu đều gần mức thấp lịch sử. HPG đang giao dịch ở mức P/E và P/B lần lượt là 15,x và 1,x, trong khi các chỉ số này của HSG là -8,1x và 0,9x.
SSI duy trì khuyến nghị trung lập với giá mục tiêu 1 năm lần lượt là 20.000 đồng và 15.000 đồng đối với cổ phiếu HPG và HSG, dựa trên P/E và P/B mục tiêu lần lượt là 12,3 và 1,1 đối với HPG; 36,6 và 0,9 đối với HSG.