Võ Tắc Thiên (624-705), hay còn được gọi là Võ hậu hoặc Thiên hậu, là phi tần trong hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Sau đó bà trở thành Hoàng hậu thứ hai của Đường Cao Tông Lý Trị, con của vua Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Sau khi Đường Cao Tông qua đời vào năm 683, Võ Tắc Thiên (khi đó lấy tôn hiệu Thiên hậu) từng là Hoàng thái hậu và cuối cùng trở thành Hoàng đế duy nhất của triều đại Võ Chu.
Trong 15 năm cai trị (từ năm 690 - 705) với tôn hiệu Thánh Thần Hoàng đế, Võ Tắc Thiên đã góp phần mở mang lãnh thổ Trung Quốc, tập trung phát triển kinh tế, khuyến khích phát triển Phật giáo.
Sau khi Võ Tắc Thiên qua đời, bà và chồng là Đường Cao Tông được chôn cất tại Càn lăng ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Càn lăng được coi là một lăng mộ rất đặc biệt. Đây là lăng mộ có tường thành kép duy nhất trong lăng tẩm của triều đại nhà Đường, bao gồm hoàng thành, cung thành và ngoại quách. Nơi đây tái hiện một cách hoàn hảo bố cục tổng thể của thành phố Trường An lúc bấy giờ.
Theo các ghi chép lịch sử, phải mất đến 23 năm để hoàn thành việc xây dựng Càn Lăng với vô số nỗ lực của những người thợ thủ công.
Công trình này đến nay vẫn còn ẩn chứa nhiều điều bí mật chưa có lời giải. Một trong số đó là 61 bức tượng đá có kích thước tương đương người thật. Các bức tượng xếp hàng trước lăng, đứng cạnh nhau, chắp tay trước ngực ngay ngắn và phần lớn đầu của các bức tượng đã biến mất.
Theo các nhà nghiên cứu, 61 bức tượng này chính là tượng của 61 vị chư hầu đã quy thuận Đại Đường thời Trinh Quán (từ năm 627 – 629), đồng thời họ cũng chính là những trọng thần đương triều.
Sau khi Võ Tắc Thiên qua đời, con trai bà là Đường Trung Tông đã ra lệnh khắc những tượng đá chư hầu đặt tại Càn Lăng nhằm tưởng nhớ công lao của tiên đế.
Cho đến tận đầu triều đại nhà Minh (1368 – 1644), những bức tượng đá ở Càn Lăng vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, sau đó, 61 bức tượng đá bị mất đầu và trở thành một trong những bí ẩn ở Càn Lăng.
Có rất nhiều giả thuyết lý giải cho việc các tượng đá mất đầu. Có người cho rằng trong cuộc nổi dậy của An Thạch, đạo quân nghĩ rằng những bức tượng đá này là một sự sỉ nhục với họ nên đã phá hủy chúng. Cũng có người tin rằng một dịch bệnh đã xảy ra vào thời nhà Minh, người dân cho rằng chính những bức tượng này đã gây ra nên mới phá hủy chúng.
Sau đó, các chuyên gia phát hiện, không chỉ có tượng hình người mất đầu, mà ngay cả tượng ngựa, đà điểu cũng có chung đặc điểm là phần cổ có kết cấu yếu. Mỗi bộ phận lại được làm từ nhiều loại đá với độ cứng khác nhau. Các chuyên gia suy đoán có thể do đá thời nhà Đường có nhiều tạp chất nên làm ảnh hưởng đến chất lượng của tượng.
Tuy nhiên, khi tiến hành nghiên cứu và phân tích những tài liệu lịch sử, các chuyên gia phát hiện tượng đá mất đầu ở Càn Lăng có thể là do thiên tai.
Cụ thể, theo ghi chép trong Minh sử, ngày 23/1/1555, có một trận động đất lớn mạnh tới 8 độ Richter xảy ra tại vùng huyện Hóa, thuộc tỉnh Thiểm Tây, khiến hơn 800.000 người thiệt mạng.
Đặc biệt, ông Adachi Kiroku, một học giả người Nhật Bản, kể lại rằng, năm 1906, khi ông đến Càn Lăng để khảo sát thì vẫn thấy hơn 20 tượng đá bị đổ, nằm trên mặt đất. Chi tiết này càng củng cố cho giả thuyết các bức tượng ở Càn Lăng bị hư hại là do động đất.
Cho đến bây giờ, động đất có lẽ là lý giải hợp lý nhất về 61 bức tượng đá không đầu ở Càn Lăng.
Mộc Miên (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/bi-an-61-tuong-da-khong-dau-o-lang-mo-vo-tac-thien-a590140.html