Nhà thầu xây dựng kêu khó vì nhiều quy định “quá cứng”

Phía doanh nghiệp chia sẻ việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu dẫn đến khó khăn, không tạo ra sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.

Sáng 13/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Tại hội thảo, các doanh nghiệp đã nêu những điểm nghẽn gây khó khăn trong quá trình thực hiện các gói thầu.

Bà Nguyễn Thị Thuý Hằng - Phó Cục trưởng, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định quy trình, thủ tục trong đấu thầu mặc dù đã được đơn giản hóa nhưng trong một số khâu, giai đoạn của quá trình đấu thầu vẫn gây cản trở cho doanh nghiệp.

Hiện nay, một số trường hợp hồ sơ mời thầu có nội dung làm hạn chế nhà thầu, điều cấm hồ sơ mời thầu đưa ra trước đây xuất hiện các điều kiện nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, nhà đầu tư.

Nhiều cản trở cho nhà thầu

Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng CTCP Vinaconex cho rằng theo dự thảo Luật Đấu thầu quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu đặc biệt quy định rất chặt về các hành vi chuyển nhượng thầu.

Do đó, ngay từ bước dự thầu nhà thầu đã phải xác định rõ giá trị tối đa, phạm vi công việc dự kiến sử dụng nhà thầu phụ.

Kinh tế vĩ mô - Nhà thầu xây dựng kêu khó vì nhiều quy định “quá cứng”

Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng CTCP Vinaconex.

Thực tiễn đối với các dự án đầu tư xây dựng trong ngành GTVT, các gói thầu xây lắp thường có thời gian thi công dài, quá trình thực hiện bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết, giá cả thị trường, tình hình hoạt động của các nhà thầu thực hiện gói thầu. 

Vì vậy, tại thời điểm tham dự thầu nhà thầu chưa thể dự kiến hết phần công việc sẽ sử dụng nhà thầu phụ để đưa ra danh sách các nhà thầu phụ. 

Trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư yêu cầu đẩy nhanh, rút ngắn tiến độ sớm đưa công trình vào khai thác.

Điều này dẫn đến việc có thể cần phải bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách hoặc bổ sung phần công việc cho nhà thầu phụ ngoài phạm vi công việc, vượt giá trị tối đa công việc dành cho nhà thầu phụ nêu trong hợp đồng. 

Vì vậy, việc quy định quá cứng về hành vi chuyển nhượng thầu sẽ dẫn đến khó khăn, không tạo được sự linh hoạt cho các chủ thể trong quá trình thực hiện.

Để việc thực hiện pháp luật đấu thầu được chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, ông Hải đề nghị xem xét nghiên cứu, sửa đổi về hành vi chuyển nhượng thầu trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) theo hướng bổ sung quy định loại trừ đối với trường hợp nhà thầu thay thế, bổ sung nhà thầu phụ ngoài danh sách các nhà thầu phụ đã nêu trong hồ sơ đấu thầu.

Bất lợi vì giá hợp đồng trọn gói

Ông Dương Văn Cận - Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam nhận thấy thực trạng hiện nay có sự nhầm lẫn giữa nhà thầu phụ với chuyển nhượng thầu hay là bán thầu. 

Trong quá trình thực hiện, gói thầu xuất hiện nhiều yếu tố mà nhà thầu không thể lường trước.

Do đó, luật có thể cho áp dụng hình thức nhà thầu phụ ngoài danh mục nhà thầu phụ đã đăng ký ở giai đoạn đấu thầu hoặc hình thức nhà thầu phụ của nhà thầu phụ được chủ đầu tư và tư vấn giám sát chấp thuận một phần khối lượng đã nhận thầu để tránh tình trạng tổng thầu hay nhà thầu chính giao thầu không đúng luật.

Kinh tế vĩ mô - Nhà thầu xây dựng kêu khó vì nhiều quy định “quá cứng” (Hình 2).

 ông Dương Văn Cận - Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông nhận định giá Hợp đồng trọn gói theo quy định hiện nay đang gây nhiều bất lợi cho nhà thầu.

Cụ thể, theo quy định “Giá dự thầu phải bao gồm tất cả các chi phí cho các yếu tố rủi ro về khối lượng công việc và trượt giá có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng tương ứng với trách nhiệm của nhà thầu trong việc thực hiện gói thầu”. 

Ông cho rằng đây là quy định tính toán giá gói thầu để xét thầu, tuy nhiên chưa phải quy định các yếu tố đưa vào giá gói thầu trong hợp đồng để bên mua và bên bán ký kết thực hiện theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”.

Thực tế trong quá trình thi công xuất hiện có nhiều yếu tố rủi ro được xem là bất khả kháng. Những rủi ro như giá vật liệu tăng đột biến 30-40%, dịch bệnh Covid-19, lũ lụt xảy ra thời gian vừa qua.

Hiệp hội kiến nghị những đột biến như trên phải được coi là bất khả kháng, điều này cần phải được điều chỉnh hợp đồng cho nhà thầu. Theo đó, khái niệm bất khả kháng về giá vật liệu tăng đột biến, ngừng thi công do dịch bệnh cần được xem bất khả kháng ngoài khả năng kiểm soát của nhà thầu.

Do đó, đại diện hiệp hội đề nghị sửa đổi nội dung quy định sang “Việc thanh toán được thực hiện theo tỉ lệ phần trăm giá hợp đồng, tương ứng khối lượng phù hợp với giai đoạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng; khi thanh toán không yêu cầu phải có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết và đơn giá chi tiết”.

Ngoài ra, nợ đọng trong xây dựng vẫn đang gây khó khăn, nhức nhối cho nhà thầu, có gói thầu nợ đọng tới gần 20% sau 7 năm công trình đưa vào khai thác sử dụng vẫn chưa được thanh toán. 

Theo Luật đấu thầu quá trình lựa chọn nhà thầu và thực hiện gói thầu, nhà thầu phải có 4 lần bảo lãnh rất chặt chẽ. Thế nhưng không có một chế tài nào với chủ đầu tư, vốn đảm bảo thanh toán cho nhà thầu thì không được chủ đầu tư đảm bảo.

Điều này dẫn đến tình trạng không có vốn thanh toán cho nhà thầu. Để giải quyết vấn đề này, cần bổ sung vào luật đấu thầu cơ chế bảo lãnh thanh toán của chủ đầu tư. 

Vì vậy, Hiệp hội kiến nghị: Khi thực hiện xong 60 - 65% giá trị khối lượng gói thầu thì chủ đầu tư phải cam kết thực hiện bảo lãnh để đảm bảo đủ vốn thanh toán cho gói thầu. Mức bảo lãnh là số tiền còn phải thanh toán giá trị khối lượng còn lại của gói thầu.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/nha-thau-xay-dung-keu-kho-vi-nhieu-quy-dinh-qua-cung-a590160.html