Theo báo Người lao động, ngày 14/4, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCT) thường niên 2023 thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có việc chia cổ tức với tỷ lệ 18%.
Theo đó, Eximbank sẽ sử dụng 2.655 tỷ đồng là lợi nhuận còn lại đến cuối năm 2021 và lợi nhuận năm 2022 để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%. Eximbank dùng số tiền này để phát hành thêm 265,5 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cp.
Thời gian thực hiện chia cổ tức là trong năm 2023, sau khi được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay, tổng số lượng cổ phiếu hiện hành của Eximbank là hơn 1,481 tỷ cổ phiếu. Sau khi phát hành thêm cổ phiếu thì lượng cổ phiếu lưu hành dự kiến của Eximbank sẽ là hơn 1,74 tỷ cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến của ngân hàng này cũng tăng từ hơn 14.814 tỷ đồng lên hơn 17.469 tỷ đồng.
Theo VTC News, như vậy, sau gần 10 năm chờ đợi, cổ đông của Eximbank sẽ được chia cổ tức. Lần chia cổ tức gần nhất của Eximbank là vào năm 2014 với tỷ lệ 4% bằng tiền mặt. Kể từ đó, cổ đông không được chia cổ tức vì những “lùm xùm”, tranh chấp giữa các nhóm cổ đông. Điều này ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh của ngân hàng từng một thời huy hoàng ở TP.HCM.
Tại ĐHĐCĐ, các cổ đông cũng chất vấn việc chưa xây trụ sở Eximbank tại khu đất số 7 Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM.
Bà Lương Thị Cẩm Tú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Eximbank trả lời: Tại ĐHCĐ năm 2022, ngân hàng đã thông qua phương án xây dựng trụ sở tại khu đất số 7 Lê Thị Hồng Gấm. Tuy nhiên, dự án đang vướng pháp lý, cần xin phép và chờ phê quyệt của UBND TP.HCM.
Sau khi thực hiện xong các thủ tục pháp lý, ngân hàng mới phối hợp với các đơn vị liên quan thiết kế lại mô hình, công năng của tòa nhà để phục vụ cho Eximbank và các doanh nghiệp khác.
“Chúng tôi cũng nhận thức được sự hao phí khi khu đất trống chưa được xây dựng. Tuy nhiên, chúng ta phải chờ phê duyệt pháp lý xong mới thực hiện được. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng điểm phải thực hiện năm nay”, bà Tú nói.
Khu đất diện tích hơn 3.500m2 tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm có vị trí đắc địa, nằm ở khu vực sầm uất bậc nhất của trung tâm TP.HCM. Ban đầu khu đất này thuộc sở hữu của Văn phòng Thành uỷ TP.HCM.
Cách đây hơn một thập kỷ, Eximbank mua lại lô đất từ Văn phòng Thành uỷ TP.HCM với tổng giá trị gần 240 tỷ đồng, trong đó thanh toán 144,6 tỷ đồng bằng phát hành cổ phần. Eximbank sử dụng vị trí này làm trụ sở cho tới năm 2011, trước khi chuyển sang thuê ở Vincom Center (72 Lê Thánh Tôn, quận 1), đồng thời triển khai dự án trụ sở trên lô đất số 7 Lê Thị Hồng Gấm.
Ngoài ra, ĐHĐCĐ Eximbank cũng thông qua phương án bán hoặc sử dụng 6 triệu cổ phiếu quỹ làm cổ phiếu, sửa đổi bổ sung một số nội dung của điều lệ hoạt động, mức thù lao cho hội đồng quản trị trong năm 2023 là 0,7% lợi nhuận trước thuế…
Các cổ đông còn thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là các ông Nguyễn Hiếu và Nguyễn Thanh Tùng, sau khi hai ông này có đơn từ nhiệm vào ngày 5/4.
Trong năm 2023, Eximbank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5 % so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước. Huy động vốn cuối kỳ đạt 165.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước. Dư nợ tín dụng đạt 146.600 tỷ đồng, tăng 12%. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 1,6%.
Vân Anh (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/eximbank-chia-co-tuc-tro-lai-sau-10-nam-a590269.html