Những ngày vừa qua, sự việc nữ sinh lớp 10 ở Nghệ An tử tự nghi vấn vì bị bạo lực học đường gây xôn xao dư luận. Là một người mẹ của 2 đứa con tuổi ăn tuổi lớn, tôi không khỏi rùng mình xót xa. Đau lòng hơn, con gái tôi cũng là nạn nhân của bạo lực học đường suốt một năm học vừa qua. Tôi thật không dám tưởng tượng mình sẽ như thế nào nếu rơi vào hoàn cảnh của gia đình nữ sinh xấu số...
Con gái tôi đang học lớp 7, khối bán trú tại một trường công lập khá có tiếng gần nhà. Vì trường nổi tiếng với thành tích nhiều năm đào tạo học sinh giỏi, có các cháu của tôi cũng từng theo học nên vợ chồng tôi hoàn toàn an tâm gửi gắm con ăn ngủ tại trường.
Ở độ tuổi 13 ẩm ương, nhiều lúc con cũng bướng bỉnh nhưng vẫn là một đứa trẻ có nhiều suy nghĩ ngô nghê. Từ bé, con đã trông ưa nhìn, tính cách hiền lành ngoan ngoãn, tự giác học tập, làm ban cán sự lớp nên được thầy cô và bạn bè yêu mến. Quả thật, từ khi cho con đi học mẫu giáo đến nay, tôi chưa bao giờ phải lăn tăn về việc học hành hay sinh hoạt của con. Gia đình luôn yêu thương, tạo mọi điều kiện để con được học tập và vui chơi đúng với lứa tuổi. Vợ chồng tôi cũng thống nhất không đặt nặng áp lực lên con, cuối tuần thì cả nhà đi chơi, con cũng rất thích tâm sự với bố mẹ.
Vậy mà thời gian thi học kỳ xong, tôi thấy con có nhiều thay đổi. Thành tích giảm sút đáng kể, tính cách trở nên lầm lì, không còn vui vẻ như trước. Lần nào đi học về, con cũng vào thẳng phòng, khóa trái cửa, chứ không còn tíu tít nói chuyện như trước. Con thậm chí tránh né mẹ, đặc biệt thường mặc quần áo dài tay, hay giấu giấu giếm giếm. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ là do chương trình học ngày càng khó, con đang dậy thì nên tâm tính thay đổi.
Thế nhưng linh cảm người mẹ khiến tôi chẳng thể nào yên lòng. Có những ngày tôi thấy con trở về nhà với gương mặt hoảng hốt, đồng phục xộc xệch. Hỏi thì con chỉ trả lời qua loa là do đùa giỡn với bạn. Con thường xuyên bị mất sách vở, đồ dùng học tập, đến cả giày dép cũng rất nhanh hỏng và phải thay mới liên tục.
Quá bất an, tôi tìm một cơ hội ngồi xuống nói chuyện với con. Đợi con trong trạng thái thoải mái và bình tĩnh nhất, tôi gặng hỏi:
- Dạo này ở trường có việc gì phải không con? Nếu có gì, con phải nói cho mẹ biết, mẹ mới giúp được.
Thế mà cô con gái bé bỏng của tôi, đứa trẻ vui vẻ và thích cười, lập tức òa khóc nức nở. Lần đầu tiên tôi thấy con bối rối, bất lực và khổ sở như thế. Vỗ về mãi, con mới nói:
- Mẹ ơi, con không muốn đi học nữa đâu. Mẹ cho con nghỉ học nhé…
Tôi vô cùng bất ngờ vì từ trước đến giờ con rất thích học. Tôi hỏi vì sao thì mới đau lòng biết được hóa ra gần một năm học vừa qua, con luôn bị một nhóm bạn trong lớp bắt nạt, thậm chí đám trẻ kia còn cấm những người khác chơi với con tôi.
“Các bạn bảo con nhà giàu chạnh chọe nên tịch thu đồ dùng học tập của con, lấy kéo cắt giày”, “Có 3 bạn nam trong lớp tỏ tình với con nên các bạn nữ gọi con là hồ ly tinh, lập group chat nói xấu con”, “Các bạn còn bảo con thảo mai, giả vờ ngoan hiền nhưng tâm địa xấu xa”, “Con đang đi thì bị xô té”, “Con sợ lắm mẹ ơi”,... từng lời nói của con như mũi dao đâm thẳng vào trái tim người mẹ. Tôi không thể nào tưởng tượng được một đứa trẻ 12 - 13 tuổi đã phải hoảng sợ và đau đớn thế nào khi bị bạn bè cô lập, bịa đặt và gán nhãn bởi những lời nói xấu xí như thế.
Con vén áo cho tôi thấy, những mảng bầm tím có cái đậm cái nhạt ở eo ở lưng ở cánh tay. Con tôi không chỉ bị bạo lực ngôn từ mà còn chịu tác động vật lý. Trời ơi, suốt một năm qua, con đã phải chịu đựng những gì! Vì sao tôi chẳng hề hay biết?
Ngay lập tức, tôi hẹn gặp cô chủ nhiệm của con để trao đổi về vấn đề con bị bắt bạt ở trường. Cô đón tôi niềm nở nhưng tỏ ra bất ngờ trước thông tin con tôi bị một nhóm bạn ở lớp bắt nạt. Sau khi nghe tôi trình bày hết mọi sự việc, bày tỏ mong muốn được giải quyết thỏa đáng, cô lập tức thay đổi nét mặt. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không thể quên được câu hỏi mà theo tôi là vô cùng lạnh lùng và nhẫn tâm. Cô nói: “Các con học ở lớp này đều có học lực và hạnh kiểm tốt. Chắc hẳn cháu nhà phải làm sao thì các bạn mới không thích, không chơi và xảy ra mâu thuẫn với cháu như thế?”.
Cô không chỉ thay đổi tính chất câu chuyện con tôi bị bắt nạt, cô lập, bạo lực học đường thành “các bạn không thích”, “không chơi cùng”, “mâu thuẫn” mà còn hướng mũi dùi về phía con tôi - vốn là nạn nhân. Tôi biết tính cách con mình như thế nào, nó là một đứa trẻ ngoan ngoãn và hiền lành. Thế nên mới có chuyện dù bị bắt nạt cả năm trời vẫn không dám hé răng kể cho bố mẹ. Và kể cả khi con tôi có là một đứa trẻ ngỗ ngược, cư xử chưa đúng đi chăng nữa, thì tôi tin rằng không một đứa trẻ nào “đáng đời” khi bị bạo lực học đường.
Ngay khi cô đặt ra câu hỏi đó, tôi tức đến mức run người và lập tức đứng dậy ra về. Tôi tự hỏi một năm qua, người ở gần các con nhất trong môi trường học đường đã ở đâu khi bọn trẻ phân chia bè phái, dẫn đến việc con tôi bị bắt nạt. Vì sao sau khi biết ngọn ngành sự việc, cô giáo không hỏi thăm tình hình con tôi mà lại tìm kiếm vấn đề từ phía nạn nhân. Tôi quyết định tạm xin nghỉ học cho con, và đang suy nghĩ đến việc tìm một ngôi trường mới để con chuyển trường,...
Thư độc giả trankhanh03…@gmail.com gửi về.
Bạo lực học đường luôn là một vấn nạn dai dẳng nhiều năm qua, có thể xảy ra ở tất cả các cấp học, không phân biệt trường công hay trường tư, trường bình thường hay trường chuyên. Đáng chú ý, bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể là nạn nhân của bạo lực học đường. Có trẻ bị bắt nạt vì tính cách nhút nhát, xuất phát từ tâm lý kẻ mạnh áp bức kẻ yếu thế. Tuy nhiên cũng có trẻ bị bắt nạt vì lòng đố kỵ. Con trở thành “tâm điểm” vì sở hữu ngoại hình xinh xắn, học lực tốt, hoàn cảnh gia đình khá giả,....
Thạc sĩ Tâm lý Quang Thị Mộng Chi đã có những chia sẻ sâu sắc về vấn đề này.
Tại sao trẻ nổi bật (có ngoại hình ưa nhìn, học giỏi, gia đình có điều kiện kinh tế, bạn khác giới mến) thường dễ trở thành đối tượng bị bạo lực học đường?
Với trẻ vị thành niên, áp lực đồng trang lứa là một thứ có ảnh hưởng rất lớn đối với trẻ. Ở lứa tuổi này, trẻ mong muốn có được sự tương tự như những người bạn cùng lứa tuổi với mình, có sự so sánh ngang hàng với các bạn học rất sâu sắc. Điều đó có nghĩa là trẻ không thích những bạn quá khác biệt, đặc biệt những bạn là hình mẫu "con nhà người ta" trong mắt bố mẹ, thầy cô.
Khi không thích bị so sánh, thì các bạn có thể đổ lỗi mình bị so sánh tại các bạn học sinh hoàn hảo, cho rằng họ rất đáng ghét. Do đó mà vô tình những bạn có đầy đủ các tố chất: xinh đẹp, học giỏi, giàu có, được thầy cô yêu quý, bạn khác giới mến lại khiến các bạn cùng trang lứa không vừa mắt nên có thể trở thành mục tiêu bắt nạt của các bạn khác.
Câu nói: "Nó phải làm sao mới bị bắt nạt" có thể gây tổn thương như thế nào đối với tâm lý của trẻ?
Tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân kiểu. "Nó phải làm sao mới bị bắt nạt" là điều gây tổn thương rất lớn đến trẻ khi bị bắt nạt. Thay vì được giúp đỡ thì trẻ lại bị nghi ngờ, bị đổ lỗi khiến trẻ mất niềm tin vào sự trợ giúp của người khác, đặc biệt là người thân và người mà trẻ tin tưởng. Thậm chí trẻ có thể tự nghi ngờ chính mình và những giá trị mình theo đuổi.
Do đó cần tránh lối suy nghĩ này. Khi một trẻ bị bắt nạt thì rất cần được sự quan tâm, giúp đỡ và đưa trẻ ra khỏi bối cảnh bị bắt nạt, để trẻ cảm thấy an tâm. Tìm hiểu vấn đề mâu thuẫn giữa các trẻ và có hướng xử lý tích cực mới là điều mà người lớn, các bậc phụ huynh, thầy cô và xã hội nên làm.
Cảm ơn chuyên gia đã chia sẻ!
HẠ MÂY