Nhiều gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia
Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng (QLDA ĐTXD) huyện Mê Linh là đơn vị trực thuộc UBND TP.Hà Nội có địa chỉ tại trụ sở trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Mê Linh, khu trung tâm Hành chính huyện. Người giữ cương vị Giám đốc hiện tại là ông Đào Trọng Phú.
Theo phân tích số liệu từ mạng đấu thầu Quốc gia, tổng giá trị theo gói thầu có KQLCNT hợp lệ của bên mời thầu ban QLDA ĐTXD huyện Mê Linh là: 1.148.841.177.562 đồng, trong đó tổng giá trị trúng thầu 1.138.223.186.636 đồng (hơn 1,1 nghìn tỷ đồng), tỉ lệ tiết kiệm là: 0,92%.
Còn theo nghiên cứu ngẫu nhiên của phóng viên với 25 gói thầu được ban QLDA ĐTXD huyện Mê Linh mời thầu trong quý IV năm 2022, trong đó 24 gói đơn vị này chủ đầu tư, 1 gói do UBND huyện Mê Linh làm chủ đầu tư (gói thầu số 12 trị giá hơn 300 tỷ đồng), tổng giá trị trúng thầu là 1.042.253.617.606 tỷ đồng (Một nghìn không trăm bốn mươi hai tỷ, hai trăm năm mươi ba triệu, sáu trăm mười bảy nghìn, sáu trăm linh sáu đồng) chỉ tiết kiệm được cho ngân sách 1.691.210.979 đồng (Một tỷ, sáu trăm chín mươi mốt triệu, hai trăm mười nghìn, chín trăm bảy mươi chín đồng), đạt tỉ lệ ở mức tượng trưng là 0,16%.
Được biết, toàn bộ các gói thầu này đều sử dụng nguồn ngân sách của TP.Hà Nội hoặc ngân sách huyện Mê Linh.
Đáng chú ý, nhiều gói thầu có tỉ lệ tiết kiệm tiệm cận con số 0, ví dụ gói thầu số 11 trị giá 91,6 tỷ đồng tiết kiệm 53,9 triệu đồng (tỉ lệ 0,06%); gói thầu số 9 trị giá 92,4 tỷ đồng tiết kiệm 5,7 triệu đồng (tỉ lệ 0,01%); gói thầu số 10 có giá trúng thầu 71,8 tỷ đồng tiết kiệm được 24 triệu đồng (tỉ lệ 0,03%); gói thầu số 14 giá trúng thầu 46 tỷ đồng, tiết kiệm 34 triệu đồng (tỉ lệ 0,07%); gói thầu số 17 trị giá 57,9 tỷ đồng tiết kiệm 28 triệu đồng (tỉ lệ 0,05%)…
Tỉ lệ tiết kiệm thấp được nhiều chuyên gia đánh giá là minh chứng cho hiệu quả kinh tế không đạt sau đấu thầu và có liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư. Bởi, bên cạnh việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, cung cấp hàng hóa có chất lượng, ưu việt thì chủ đầu tư – với vai trò ủy quyền của Nhà nước còn cần có trách nhiệm tiết giảm tối đa cho ngân sách.
Đáng chú ý, toàn bộ 25 gói thầu mà phóng viên nghiên cứu ngẫu nhiên đều chỉ có 1 nhà thầu là các liên danh tham dự và trúng thầu. Điều này cho thấy tính cách tranh trong công tác đấu thầu tại ban QLDA ĐTXD huyện Mê Linh không còn nhiều.
Trong số những nhà thầu trúng thầu tại ban QLDA ĐTXD huyện Mê Linh có thể thấy nhiều cái tên như: công ty Cổ phần tư vấn thiết kế ĐTXD Minh Phát (trúng 15/20 gói); công ty Cổ phần phát triển công nghệ Việt An (trúng 12/15 gói); tổng công ty Cổ phần Bảo Minh (trúng 11/11 gói); công ty Cổ phần sở hữu trí tuệ DAVILAW (trúng 9/9 gói); công ty Cổ phần cơ điện và công nghệ EMC (trúng 7/7 gói); công ty Cổ phần tư vấn xây dựng giao thông Tây Thăng Long (trúng 6/6 gói)…
Thông tin sản phẩm chưa rõ ràng
Khi đi sâu nghiên cứu vào các hàng hóa được mua sắm, phóng viên nhận thấy có hiện tượng giá sản phẩm đấu thầu cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Cụ thể là gói thầu số 3: Mua sắm, lắp đặt thiết bị thuộc dự án: Mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 2 và lớp 6 cho các trường công lập trên địa bàn huyện Mê Linh được Giám đốc ban QLDA ĐTXD huyện Mê Linh Đào Trọng Phú phê duyệt theo Quyết định số 702/QĐ-QLDA ngày 05/12/2022.
Gói thầu này về tay liên danh công ty TNHH Công nghệ Tin học Viễn Thông - Công ty Cổ phần Xây lắp Thiết bị và Công nghệ Phương Nam với giá trúng thầu: 27.630.665.000 đồng (Bằng chữ: Hai mươi bảy tỷ, sáu trăm ba mươi triệu, sáu trăm sáu mươi lăm nghìn đồng).
Tại gói thầu này, bộ thiết bị dạy số và so sánh số có đơn giá 70.500 đồng; bộ thiết bị dạy hình phẳng và hình khối có đơn giá 112.800 đồng; bộ sa bàn giáo dục giao thông có giá 451.200 đồng nhưng giá thị trường tương ứng lần lượt là: 31.500 đồng; 57.750 đồng và 275.000 đồng. Mức chênh lệch này khiến cho ban QLDA ĐTXD huyện Mê Linh phải chi thêm vài trăm triệu đồng mỗi sản phẩm sau khi đấu thầu mua sắm.
Cần lưu ý rằng, các sản phẩm dùng để so sánh đều có các thông số kỹ thuật giống với yêu cầu của chủ đầu tư đưa ra tại chương V, E-HSMT của gói thầu này.
Thêm nữa, khi nghiên cứu các tài liệu trên cổng thông tin mua sắm công của bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều thiết bị được mua sắm trong gói thầu trên không được ghi đầy đủ kí hiệu, nhãn mác (khi gói thầu đã được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu). Ví dụ ti vi, máy chiếu…
Cụ thể, mặt hàng ti vi được công khai với thông tin: “số thứ tự 83, số lượng 29 bộ, xuất xứ Việt Nam, đơn giá dự thầu 13.400.000 đồng, chi tiết theo Mẫu số 12.1 Bảng giá dự thầu của hàng hóa”.
Tuy nhiên, khi phóng viên dùng toàn bộ yêu cầu kỹ thuật như chủ đầu tư đưa ra tại chương V, E-HSMT với mã ti vi này thì được biết, trên thị trường đang bán dòng sản phẩm đáp ứng đầy đủ thông số chỉ với giá 10.100.000 đồng. Tức là nếu tham khảo mức giá này, chủ đầu tư đã có thể tiết kiệm cả trăm triệu đồng.
Quá trình tìm hiểu 211/376 mã hàng được mua sắm, gói thầu đã có dấu hiệu đội giá cao hơn giá thị trường, số tiền chênh lệch là 2.898.946.230 đồng.
Nhằm đóng góp những thông tin hữu ích, giúp các đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước nâng cao hiệu quả trong công tác đấu thầu, phóng viên đã liên hệ trao đổi thông tin với ban QLDA ĐTXD huyện Mê Linh nhưng không nhận được phản hồi.
Góc nhìn pháp lý
Trao đổi với phóng viên tạp chí Đời sống và Pháp luật, luật sư Dương Văn Phúc, đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, theo quy định tại khoản 3 Điều 19 Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định chi tiết việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia, đối với gói thầu mua sắm hàng hóa thì phải công khai chi tiết thông tin về các hạng mục hàng hóa trúng thầu bao gồm danh mục hàng hóa, kí mã hiệu, mô tả hàng hóa, xuất xứ, khối lượng, đơn giá trúng thầu trên hệ thống mạng đấu thầu Quốc gia.
Đồng thời theo quy định tại khoản 1 Điều này thì thời gian đăng tải công khai là 07 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu.
“Như vậy theo quy định trên, các thông tin về các hạng mục hàng hoá trúng thầu phải được đăng tải. Đây không phải là trường hợp bảo mật thông tin theo quy định tại Điều 74, 75 luật Đấu thầu, bởi nghĩa vụ đăng tải công khai cũng như các nội dung phải công khai đã được Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT quy định rõ. Như vậy trong trường hợp này bên mời thầu không đăng tải những thông tin là có sự thiếu sót.
Về trách nhiệm đăng tải thông tin các hạng mục hàng hoá trúng thầu, theo quy định tại Thông tư 08/2022/TT-BKHĐT thì trách nhiệm này thuộc về bên mời thầu (trong một số trường hợp thì chủ đầu tư đồng thời là bên mời thầu)”, luật sư Phúc nêu quan điểm.
Vị luật sư nói thêm, theo quy định tại Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, hành vi vi phạm về đăng tải thông tin trong đấu thầu sẽ bị xử lý như sau:
“1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không tuân thủ quy định về thời hạn trong việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Không đăng tải hoặc đăng tải không đầy đủ nội dung thuộc hồ sơ mời thầu; b) Đăng tải hồ sơ mời thầu không thống nhất với nội dung đã được phê duyệt. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp, đăng tải các thông tin về đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.”
Nếu có căn cứ cho rằng, giá đấu thầu cao hơn thực tế cần mời bên kiểm toán, đơn vị thẩm định giá khác thẩm định lại để đảm bảo tính khách quan. Nếu hành vi xác định giá thầu quá cao so với giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể khởi tố hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017). Theo Điều 222, trường hợp bị xử lý hình sự nặng nhất lên tới 20 năm tù nếu gây thiệt hại từ 1 tỷ đồng trở lên.
Lê Vân - Dương Thu