Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ ( HoSE: STK) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với doanh thu thuần đạt 288 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ do khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng. Biên lãi gộp giảm mạnh từ 17% xuống 6%.
Trong kỳ, chi phí tài chính tăng, còn các chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ. Trừ hết chi phí, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 1,6 tỷ đồng, giảm 98% so với I năm ngoái.
Công ty cho biết, trong quý I/2023, doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ là do khách hàng thu hẹp quy mô đơn hàng. Mặc dù chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý có tiết giảm so với cùng kỳ nhưng vẫn không cải thiện được chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Đặng Triệu Hoà - Tổng Giám đốc Sợi Thế Kỷ cho biết, tiến trình phục hồi của công ty chậm hơn một quý so với kế hoạch, do đó, kết quả quý I sẽ không có nhiều khởi sắc, sự phục hồi có thể bắt đầu từ quý III và bình thường trong quý IV. Hiện công ty vẫn cố gắng duy trì hoạt động không để lỗ và có lợi nhuận.
Năm nay, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu doanh thu 2.149 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 253 tỷ đồng. Như vậy, sau một quý, công ty đã thực hiện được 13% kế hoạch doanh thu và còn cách xa chỉ tiêu lợi nhuận.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Sợi Thế Kỷ đạt 2.175 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Công ty có hơn 311 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Hàng tồn kho không thay đổi nhiều so với đầu năm, khoảng 465 tỷ đồng.
Cũng tại thời điểm cuối tháng 3, nợ phải trả của công ty khoảng 632 tỷ đồng, tại cùng thời điểm. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn là 348 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 1.542 tỷ đồng, bao gồm 699 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Theo nhiều dự báo, ngành dệt may có phục hồi nhẹ vào quý II/2023, nhưng sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Còn với ngành sợi, thị trường vẫn ảm đạm. Giá bán sợi trên thị trường hiện ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị tăng cao.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang, để ngành dệt may phát triển bền vững, ngành đang kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để giải quyết phần cung thiếu hụt, đồng thời, xây dựng các giải pháp bán hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm), ODM (thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng)...
Ngoài ra, xu hướng của người mua thế giới đã thay đổi. Họ đòi hỏi đơn đặt hàng không chỉ chất lượng cao mà phải nhanh. Do đó, doanh nghiệp phải cập nhật sớm các thiết bị đáp ứng nhu cầu của thị trường, mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa dệt may.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/can-don-hang-soi-the-ky-bao-lai-sut-giam-98-a590584.html