Các vật dụng trong nhà bếp đều có thể tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe, thường có nguyên nhân xuất phát từ việc phải tiếp xúc nhiều loại thực phẩm tươi sống và đôi khi chính chúng ta đã chưa sử dụng hay vệ sinh đúng cách.
Mặc dù có thói quen giữ gìn nhà bếp sạch sẽ nhưng một số vật dụng thiết yếu trong nhà bếp vẫn nên được thay mới sau một thời gian dài sử dụng để tránh tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư.
Đũa gỗ dùng lâu ngày
Đũa là một trong những vật dụng không thể thiếu trong mỗi bữa cơm gia đình của người Việt. Chính vì vậy, bạn cần bảo quản đũa thật sạch sẽ, tránh ẩm mốc.
Thông thường, sau khi rửa đũa sạch sẽ, mọi người sẽ cho đũa vào ống đựng ngay chứ không phơi khô bên ngoài. Điều này có thể sinh ra nấm mốc, vi khuẩn bám lại trên đũa. Chính vì vậy, muốn tăng tuổi thọ cho đũa thì bạn nên phơi khô đũa sau khi rửa và cất đũa vào nơi đậy kín, tránh để nước hoặc vi khuẩn xâm nhập.
Hơn hết, đũa gỗ nên thay mới sau 3 - 4 tháng sử dụng.
Đũa gỗ, đũa tre mà không được vệ sinh và bảo quản tốt thì trong thời gian sử dụng thì đũa sẽ bị mốc và sẽ tiết ra chất độc gây ung thư - Aflatoxin B1. Chất này có thể gây ung thư cho cơ thể con người, đặc biệt là bệnh ung thư gan và sẽ gặp các triệu ứng như: nôn ói, sưng phổi, co giật, hôn mê và thậm chí tử vong do não và tim bị phù.
Bát đĩa nhựa nhiều màu
Đồ dùng bằng nhựa, nhất là bát, đĩa đang được rất nhiều người dân sử dụng vì sự tiện ích của nó. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng nếu sử dụng đồ kém chất lượng những đồ dùng này sẽ là con đường trung gian đưa mầm bệnh vào trong cơ thể.
Những loại bát đĩa nhựa chủ yếu được làm bằng nhựa melamine-formaldehyt. Vì thế, không nên dùng để chứa các thức ăn quá nóng. Đặc biệt là không nên dùng để muối dưa hoặc cho vào lò vi sóng vì có thể làm thôi hai chất độc melamine và formaldehyt vào thức ăn gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Thớt mốc dùng lâu ngày
Những loại thớt bằng gỗ cũng chứa rất nhiều vi khuẩn tích tụ lâu ngày trong những vệt nứt trên bề mặt, những vết mủn, vụn gỗ ở thớt đã sử dụng lâu. Theo một nghiên cứu đến từ trường Đại học Arizona của Mỹ, số vi khuẩn ở bề mặt thớt là 4.000 vi khuẩn/1cm², nhiều gấp 200 lần so với bồn cầu.
Để giảm thiểu điều này, mỗi gia đình nên sắm nhiều hơn một cái thớt với các mục đích sử dụng khác nhau, ví dụ như đồ sống và đồ chín, đồ tanh và thịt, hoa quả và rau củ sống,... để tránh lây nhiễm vi khuẩn chéo. Sau khi sử dụng, thớt nên được rửa bằng nước rửa bát và tráng qua bằng nước ấm rồi lau khô hoặc để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Không nên cất thớt khi chúng vẫn đang còn ướt, do môi trường ẩm ướt chính là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
Theo các chuyên gia, một chiếc thớt chỉ nên sử dụng từ 6-8 tháng thì phải thay 1 lần, tùy vào mức độ sử dụng của mỗi gia đình. Dù thớt gỗ mới sử dụng nhưng khi có dấu hiệu nấm mốc hay các vết cắt đan chéo dày đặc cũng cần phải thay ngay bởi nếu tiếp tục dùng sẽ dẫn đến ngộ độc thực phẩm, nhiễm trùng đường tiêu hóa và nhiều bệnh nguy hiểm khác.
Như Quỳnh (T/h)
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/tiem-an-nguy-co-gay-benh-tu-nhung-vat-dung-lau-nam-co-trong-nha-bep-cua-ban-a590662.html