Thị trường giao dịch sôi động hơn về cuối phiên do tâm lý nóng vội của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ, thanh khoản được dâng lên cùng đà mua ròng trở lại của khối ngoại
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/4, VN-Index tăng tới 9,49 điểm, tương đương 0,91% lên 1.049,12 điểm. Toàn sàn có 250 mã tăng, 126 mã giảm và 61 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 1,62 điểm, tương đương 0,79% lên 207,48 điểm. Toàn sàn có 102 mã tăng, 59 mã giảm và 67 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,35 điểm lên 77,77 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 23 mã tăng giá.
Tổng giá trị khớp lệnh trong phiên đạt 11.837 tỷ đồng, tăng 14% so với phiên trước, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE đạt 10.282 tỷ đồng, tăng 18,3%. Tại nhóm VN30, thanh khoản đạt 3.808 tỷ đồng.
Nhận định đầu tư
Chứng khoán Phú Hưng: Theo quan điểm kỹ thuật, VN-Index có phiên tăng điểm trở lại. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì dưới mức trung bình 20 phiên nhưng đã tăng cao hơn ngày trước đó cho thấy dòng tiền đang được cải thiện.
Nếu vượt được vùng 1.050-1.060 điểm này thì chỉ số có khả năng tiếp tục hồi phục, khi đó mục tiêu của chỉ số sẽ là vùng 1.100-1.120 điểm. Nhìn chung, thị trường có khả năng hồi phục nhưng tín hiệu chưa quá rõ ràng. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên giữ tỉ trọng ở mức an toàn để hạn chế rủi ro từ thị trường.
Chứng khoán BOS: Về kỹ thuật, VN-Index tăng điểm trở lại vùng 1.050-1.060 điểm kèm theo sự gia tăng về thanh khoản là yếu tố ủng hộ khả năng tiếp tục tăng của chỉ số trong ngắn hạn. Nhịp hồi phục hiện tại để kiểm tra lại các mốc hỗ trợ đã bị phá vỡ trước đó. Nhà đầu tư được khuyến nghị hạn chế mua đuổi khi chỉ số chưa vượt qua được vùng kháng cự này.
Chứng khoán Asean SC: Nhóm phân tích kỳ vọng rằng thị trường sẽ tiếp tục có quán tính tăng điểm trong phiên tới. Dự báo trong phiên giao dịch tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính tăng điểm trong phiên sáng để kiểm định vùng kháng cự gần 1.050 – 1.055 điểm, và xa hơn là vùng kháng cự 1.060 – 1.065 điểm.
Sự rung lắc có thể diễn ra ở vùng giá cao khiến VN-Index thu hẹp đà tăng về phía cuối ngày. Trong đó, vùng hỗ trợ là vùng có thể xuất hiện lực cầu giúp chỉ số phục hồi trở lại, và vùng kháng cự là vùng có thể xuất hiện lực bán khiến chỉ số giảm trở lại.
Tin vắn chứng khoán
- Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 của Bộ Công thương cho biết, trong năm 2022, số lượng điện thoại Việt Nam đã sản xuất ước đạt khoảng 210,5 triệu chiếc, giảm 9,1% so với năm 2021. Trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt khoảng 663,7 nghìn tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2021.
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 57,99 tỷ USD, tăng 0,81% so với năm 2021 và chiếm 15,62% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước.
Về chủng loại, xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc đạt 33,32 tỷ USD, tăng 0,67% so với năm 2021, chiếm 57,4% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng. Trong đó, xuất khẩu điện thoại Samsung đạt trên 31,42 tỷ USD, chiếm 95% tổng kim ngạch xuất khẩu điện thoại nguyên chiếc của cả nước.
Xét theo thị trường xuất khẩu, năm 2022, các thị trường xuất khẩu chính của nhóm hàng điện thoại và linh kiện là: Trung Quốc, Hoa Kỳ, khối EU, Hàn Quốc, UAE, Hồng Kông. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 16,3 tỷ USD, tăng 7,1% so với 2021, chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng.
- Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PV OIL (mã chứng khoán: OIL) cho biết, tiêu thụ xăng dầu trong quý I đạt 1.111 nghìn m3/tấn, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ, đạt 34% kế hoạch năm. Các chỉ tiêu tài chính đạt kết quả tích cực với tổng doanh thu 19.000 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch năm 2023; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 270 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch năm 2023.
OIL đặt mục tiêu một năm sẽ mở mới (bao gồm việc mua lại) 45 - 60 cửa hàng xăng dầu. Riêng quý I vừa qua, công ty đã mua được 31 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng xăng dầu đang hoạt động là 685 cửa hàng. Mục tiêu cuối năm 2023, OIL sẽ đạt tối thiểu 700 cửa hàng.
Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/lang-kinh-chung-khoan-294-ky-vong-thi-truong-tang-diem-sau-nghi-le-a591018.html