Vì sao nhà máy giết mổ heo công nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng với 50% công suất

Việc giết mổ gia súc công nghiệp tại Tp.HCM đang bị ế bởi các tỉnh lân cận vẫn hoạt động giết mổ thủ công, rất cần ngành chức năng Tp.HCM vào cuộc.

Tháo gỡ những vướng mắc

Hiện nay, nhà máy giết mổ gia súc và chế biến thực phẩm An Hạ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, Tp.HCM luôn trong tình trạng ế. Công suất giết mổ hiện tại của nhà máy hơn 3.200 con heo/ngày đêm, nhưng lượng heo đưa vào giết mổ chỉ đạt 50% so với công suất thiết kế.

Mặc dù giết mổ công nghiệp, nhưng nhà máy vẫn thu với mức giá bằng giết mổ thủ công để giữ chân thương lái. Nhưng do không đạt được công suất giết mổ theo thiết kế, nhà máy lỗ 2 tỷ đồng sau gần 1 tháng đưa vào vận hành.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ than thở: "Công ty phải giữ giá gia công bằng với giá giết mổ thủ công nhưng sản lượng cũng chỉ đạt khoảng 65% công suất thiết kế nhà máy (3.200 con/ngày). Lấy giá này thương lái mới chịu đưa heo về giết mổ, nâng lên đúng giá giết mổ công nghiệp thì họ đòi về tỉnh làm. Khả năng của tôi chỉ có thể gồng lỗ trong 3 tháng, nếu kéo dài hơn nữa sẽ phải đóng cửa nhà máy giết mổ heo công nghiệp”.

Từ ngày 1/4, Tp.HCM đã chuyển đổi sang giết mổ công nghiệp hiện đại nhưng thương lái lại chuyển về tỉnh lân cận để giết mổ thủ công với giá rẻ hơn, sau đó vận chuyển về Tp.HCM tiêu thụ. Bà Thắm phân tích, ở các tỉnh, chi phí đất rẻ, lại cho giết mổ thủ công nên chỉ cần 7 tỷ đồng đã có thể tổ chức giết mổ được công suất heo với công suất 3.000 con/ngày.

Khó cạnh tranh với các lò mổ ở tỉnh, nhưng chính tại Tp.HCM vẫn còn tồn tại 1 nhà máy bán thủ công khiến cho sự cạnh tranh càng khó khăn hơn. Cụ thể, từ khi Tp.HCM chủ trương ngừng hoạt động các lò thủ công, hầu hết các cơ sở đều chấp hành.

Tuy nhiên, nhà máy Xuân Thới Thượng thuộc Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn dù chưa hoàn chỉnh dây chuyền giết mổ công nghiệp nhưng vẫn được tiếp tục hoạt động. Đáng nói là nhà máy này lại đang thu hút lượng heo giết mổ mỗi ngày, cạnh tranh trực tiếp với các nhà máy công nghiệp vì giá gia công giết mổ chỉ 40.000 đồng/con (chưa thuế GTGT), bằng với giá giết mổ thủ công.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tô Văn Liêm, Giám đốc Công ty CP chế biến thực phẩm Hóc Môn cho biết, nhà máy giết mổ công nghiệp Xuân Thới Thượng có 2 xưởng. Xưởng số 2 có 1 dây chuyền giết mổ công nghiệp hoàn chỉnh và xưởng số 1 có 5 dây chuyền giết mổ công nghiệp.

“Do trong giai đoạn chuyển tiếp từ giết mổ thủ công sang giết mổ công nghiệp nên việc bố trí, lắp đặt thiết bị 5 dây chuyền giết mổ công nghiệp ở xưởng số 1 chưa hoàn chỉnh tính đồng bộ”, ông Liêm nói.

Theo ông Liêm, trong tháng 7/2023, nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng sẽ lắp đặt hoàn chỉnh 5 hệ thống gây ngất heo. Tới tháng 10/2023, nhà máy này cũng sẽ bố trí, thiết kế và sử dụng cưa máy tại 5 dây chuyền.

Siết chặt chất lượng nguồn thịt

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Tp.HCM đánh giá, đóng tất cả cơ sở giết mổ gia súc thủ công, đưa nhà máy giết mổ công nghiệp vào hoạt động là định hướng đúng đắn của lãnh đạo Tp.HCM để đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Trải qua nhiều giai đoạn, nhiều năm, đến thời điểm hiện tại giết mổ công nghiệp chính thức hoạt động.

“Việc giết mổ công nghiệp sẽ đảm bảo chất lượng thịt và an toàn vệ sinh thực phẩm cao hơn rất nhiều lần giết mổ thủ công. Hiện, Tp.Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện giết mổ theo công nghiệp nên thành phố sẽ cố gắng làm tốt việc này để có thể nhân rộng ra các tỉnh, thành khác”, ông Hiệp nói.

Tiêu dùng & Dư luận - Vì sao nhà máy giết mổ heo công nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng với 50% công suất

Các nhà máy giết mổ heo công nghiệp ở Tp.HCM đã vận hành từ ngày 1/4 nhưng đến nay vẫn còn vướng mắc.

Theo ông Hiệp, khi thực hiện chủ trương ngưng hoạt động giết mổ thủ công, chuyển sang giết mổ công nghiệp, Sở NN&PTNT Tp.HCM sẽ quản lý chặt và hạn chế nguồn thịt giết mổ thủ công từ các tỉnh. Cơ quan này đã trình UBND Tp.HCM và Bộ NN&PTNT về những tiêu chí cần phải đạt thì mới được đưa thịt heo về Tp.HCM tiêu thụ.

“Những tiêu chí này tương đương với tiêu chí giết mổ theo tiêu chuẩn giết mổ công nghiệp. Điều này đồng nghĩa, việc giết mổ thủ công sẽ không đạt được những tiêu chí khi đưa thịt về các chợ đầu mối ở Tp.HCM tiêu thụ, nhằm giải quyết bất cập hiện nay”, lãnh đạo Sở NN&PTNT Tp.HCM nhận định.

Có ý kiến cho rằng vì sao không để 5 dây chuyền của nhà máy giết mổ công nghiệp Xuân Thới Thượng hoàn chỉnh rồi hãy đưa vào hoạt động?

Đề cập đến nhà máy giết mổ công nghiệp Xuân Thới Thượng, ông Hiệp chia sẻ: “Cũng như những nhà máy giết mổ công nghiệp khác, nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng không thể tránh khỏi những chệch choạc khi đưa 5 dây chuyền giết mổ công nghiệp mới vào hoạt động. Ít nhất 3-4 tháng sau, 5 dây chuyền này vận hành mới trơn tru”.

Ông Hiệp cho rằng, mặc dù nhân công nhà máy có sử dụng dụng cụ để giết mổ heo trong một số công đoạn nhưng thịt heo vẫn được vận hành trên dây chuyền giết mổ công nghiệp nên luôn đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Để dây chuyền giết mổ công nghiệp hoàn chỉnh, Sở NN&PTNT Tp.HCM yêu cầu nhà máy giết mổ Xuân Thới Thượng hoàn thành lắp đặt hệ thống, thiết bị còn thiếu.

“Hiện nay, Xuân Thới Thượng và An Hạ là 2 nhà máy giết mổ công nghiệp chủ lực của Tp.HCM, mỗi ngày đưa ra thị trường hơn 50% lượng heo. Nếu chở 5 dây chuyền giết mổ công nghiệp của nhà máy Xuân Thới Thượng hoàn chỉnh, đồng bộ mới cho hoạt động thì số lượng heo giết mổ thủ công ở tỉnh đưa vào Tp.HCM không nhỏ. Điều này ảnh hưởng tới định hướng hoạt động giết mổ heo công nghiệp của Tp.HCM”, ông Hiệp nêu quan điểm.

Link nội dung: https://phunuphapluat.nguoiduatin.vn/vi-sao-nha-may-giet-mo-heo-cong-nghiep-chi-hoat-dong-cam-chung-voi-50-cong-suat-a591092.html