Theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam, các loại nấm trong đó có nấm hương được xếp vào nhóm rau, củ, quả dùng làm rau. Thế nhưng các chuyên gia nhận định, nấm hương không chỉ là rau bình thường, mà nó còn là gia vị tạo mùi đặc trưng cho món ăn, hơn thế nữa đây còn là vị thuốc quý trong đông y.
Thạc sĩ - Bác sĩ Nguyễn Trọng Tín (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3) cho biết nấm hương hay còn gọi là nấm đông cô có tên khoa học là Lentinula edodes. Đây là một loại nấm rất phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia. Bác sĩ Tín cho biết nấm hương không chỉ được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực châu Á, loại nấm này còn được đánh giá cao về lợi ích của nó đối với sức khỏe.
“Trong ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực châu Á, nấm hương thường được chế biến thành nhiều món ăn như nấu cùng với nước dùng các loại mì, các loại canh hầm, cháo, nướng trên than hoa, xào với thịt...
Trong y học cổ truyền, nấm hương thường được dùng trong các loại canh hầm cùng các vị thuốc ích khí dưỡng huyết để bồi bổ sức khỏe, thích hợp sử dụng cho cơ địa suy nhược, kém dinh dưỡng, phù hợp cho người già, phụ nữ có thai… ”, bác sĩ Tín thông tin.
Nấm hương rất giàu dinh dưỡng, thậm chí lượng đạm còn gấp gần 2 lần so với thịt bò. (Ảnh minh họa)
Các nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, nấm hương rất giàu dinh dưỡng, nên nó thường được những người ăn chay trường sử dụng. Theo bảng thành phần dinh dưỡng Việt Nam, lượng protein trong 100 gam nấm hương khô cao gấp nhiều lần so với thịt bò loại 1 (thịt bò ngon). Cụ thể, 100 gam nấm hương khô có 36 gam protein, trong khi cùng trọng lượng thịt bò loại 1 chỉ có 21 gam.
Không chỉ vậy, nấm hương còn rất giàu sắt, thậm chí còn nhiều hơn so với gan lợn, loại thực phẩm vốn được coi là “kho chứa sắt”. 100 gam nấm hương khô có 35 miligam sắt, trong khi cùng trọng lượng gan lợn chỉ có 12 mg sắt. Như vậy hàm lượng sắt trong nấm hương cao gấp gần 3 lần so với gan lợn.
Ngoài ra, nấm hương cũng giàu các thành phần dinh dưỡng và khoáng chất khác, nhưng lại rất ít chất béo (khoảng 4 gam) nên những người muốn giảm cân thường sử dụng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Tín, nấm hương còn là loại dược liệu có thể hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như ung thư, tim mạch, bệnh đái tháo đường và bệnh thận.
“Trong nấm hương chứa một loại polysaccharide là beta-glucan, có khả năng tăng cường hệ miễn dịch và chống lại các bệnh ung thư. Ngoài ra nấm hương còn chứa tinh dầu gồm terpen và sesquiterpen, có tính kháng viêm và chống oxy hóa.
Protein chứa trong nấm hương giúp cung cấp năng lượng và tăng cường sức khỏe. Các vitamin và khoáng chất có nhiều trong nấm hương gồm vitamin B, D và khoáng chất như sắt, kẽm và đồng. Ngoài ra nấm hương còn chứa các loại acid nucleic như Adenosin, Guanosin, Uridin và Thymidin, giúp tăng cường chức năng não và giảm stress”, bác sĩ Tín chia sẻ.
Nấm hương có thể dùng kết hợp để chế biến nhiều thực phẩm, làm vị thuốc rất tốt cho sức khỏe.
Theo kinh nghiệm dân gian, một số bài thuốc sử dụng nấm hương có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh như sau:
- Bài thuốc giúp hỗ trợ mất ngủ và bệnh tim mạch: Nấm hương khô với đậu đen và lá sen khô, đem đun sôi với nước, lọc bỏ bã và uống.
- Bài thuốc bồi bổ cơ thể: Nấm hương khô với đảng sâm đem đun sôi với nước, lọc bỏ bã uống.
- Bài thuốc điều trị đau đầu do khí huyết hư: Mấm hương khô, đinh lăng và cam thảo, đem đun sôi với nước, lọc bỏ bã uống.
- Bài thuốc điều trị mất ngủ do khí huyết hư tổn: Nấm hương khô với hoàng kỳ và đương quy, đun sôi với nước, lọc bỏ bã uống.
Tóm lại, bác sĩ Trọng Tín cho biết, nấm hương vừa là loại thực phẩm giàu dinh dưỡng vừa được xem như một loại dược liệu quý. Để có được lợi ích từ nấm hương, chúng ta cần sử dụng đúng, đồng thời phối hợp với các nguyên liệu khác để vừa có được bữa ăn ngon, vừa đem lại sức khỏe tốt.
LÊ PHƯƠNG.